Trong di sản tư tưởng Hồ Chí
Minh, dân chủ có một vị trí đặc biệt nổi bật. Người chẳng những để lại cho
chúng ta một hệ thống các quan niệm, quan điểm sâu sắc và hiện đại về dân chủ -
xét về mặt lý luận - mà còn nêu gương mẫu mực thực hành dân chủ - xét về mặt
thực tiễn - cho chúng ta noi theo, đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi chúng
ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh.
Phương pháp tiếp cận
Thứ nhất, từ vấn đề dân chủ
qua những kiến giải và trong hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh, chúng ta càng
thấy rõ sự thống nhất giữa tư tưởng với phương pháp và phong cách của Người. Đó
là những tư tưởng lý luận về dân chủ trong đó chứa đựng không ít những triết lý
và tỏ rõ cả minh triết dân chủ của Người luôn thống nhất hữu cơ với phương pháp
dân chủ, nhất là phương pháp thực hành dân chủ với phong cách dân chủ, thể hiện
đậm nét trong ứng xử dân chủ của Hồ Chí Minh.
Thứ hai, Hồ Chí Minh tiếp thu
có chọn lọc những tinh hoa tư tưởng lý luận dân chủ phương Tây đồng thời kế
thừa một cách sáng tạo những tinh hoa tư tưởng và triết lý phương Đông, truyền
thống cộng đồng và dân chủ làng xã của dân tộc ta. Từ chỗ đứng của con người
Mác-xit để bàn luận và giải quyết vấn đề dân chủ và dân tộc ở nước ta Hồ Chí
Minh thực sự là một kiểu mẫu kết hợp lý luận với thực tiễn, nhà tư tưởng dân
chủ đồng thời là nhà thực hành dân chủ điển hình của Việt Nam trong thế kỷ XX.
Hồ Chí Minh không chủ
trương lập ngôn, không theo đường trước tác mà chủ yếu là hành động, là thực
hành để dân chủ trở thành phổ biến và thực chất. Vậy nên, những gì Người nói,
Người viết về dân chủ đều hướng tới cách làm dân chủ, thực hiện dân chủ thực
chất, không bày vẽ phù phiếm, không hình thức khoa trương. Tiếp cận dân chủ của
Hồ Chí Minh cái được rút ra, được khái quát là từ người nghiên cứu, chứ bản
thân Hồ Chí Minh, Người không trực tiếp thể hiện. Đây là kết quả nghiên cứu tư
tưởng dân chủ Hồ Chí Minh từ góc độ phương pháp luận, gợi mở những định hướng
nghiên cứu dân chủ trong điều kiện hiện nay.
Nét đặc sắc tư duy và tư
tưởng dân chủ, lý luận và thực tiễn dân chủ Hồ Chí Minh biểu hiện ở những điểm
sau đây:
Một, Người đặt vấn đề dân
chủ trong mối quan hệ không tách rời với tự do, công bằng và bình đẳng. Dân chủ
cũng không thể tách rời dân tộc và độc lập dân tộc. Trên phương diện con người
- cá nhân chủ thể, dân chủ thể hiện thành quyền của con người, quyền của công
dân, quyền được sống, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng. Hồ Chí
Minh nhìn nhận dân chủ trong quan hệ với quyền con người - nhân quyền và dân
quyền.
Hai, Hồ Chí Minh quan
niệm dân chủ không chỉ là vấn đề lợi ích, quyền lực và thể chế gắn với chế độ
nhà nước, luật pháp mà còn là những giá trị làm người, giá trị thuộc về phẩm
giá, nhân cách, tự trọng và tự chủ của con người.
Ba, Hồ Chí Minh quan tâm
tới nội dung toàn diện của dân chủ, không chỉ là dân chủ trong kinh tế (phải
phát triển sản xuất, thoát đói nghèo, trở nên giàu có) để chăm lo lợi ích vật
chất cho người dân mà còn là dân chủ trong chính trị (nhà nước do dân ủy quyền,
không được lạm quyền, cướp quyền của dân, phải dùng quyền của dân để phục vụ và
bảo vệ dân, phải cải cách thể chế bầu cử, phải kiểm soát việc thi hành quyền),
lại phải bảo đảm dân chủ trong đời sống tinh thần để người dân dám nói, dám
nghĩ, được bảo đảm tự do tư tưởng, thực hiện dân chủ trong sáng tạo văn hóa,
trong thụ hưởng văn hóa.
Bốn, Hồ Chí Minh chú
trọng đặc biệt vấn đề dân chủ trong Đảng, nhất là khi Đảng cầm quyền. Dân chủ
trong Nhà nước, trong công tác Mặt trận và các đoàn thể, trong đời sống chính
trị.
Năm, theo Hồ Chí Minh,
dân chủ phải thể hiện trong cơ cấu xã hội, trong các quan hệ từ gia đình đến
nhà trường và xã hội, dân chủ của công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên,
phụ nữ, trong quan hệ dân tộc và tôn giáo, cả trong quan hệ quốc tế giữa các
nhà nước và chính phủ.
Sáu, dân chủ là động lực
của tiến bộ và phát triển. Do đó, vấn đề là ở chỗ, không chỉ giáo dục nhận
thức, ý thức về dân chủ mà phải thực hành dân chủ, thực hành rộng rãi thực
chất. Dân chủ để bảo đảm đoàn kết, để thực hiện công bằng và bình đẳng.
Bảy, Hồ Chí Minh xem xét dân
chủ như một phương pháp lãnh đạo và quản lý, nó quan trọng và cần thiết không
kém gì sự gương mẫu, nêu gương thuyết phục và cổ vũ mọi người noi theo.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám
năm 1945, một trong những cuộc cách mạng điển hình của thế kỷ XX đã mở ra một
thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang
vinh hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là sự chứng thực
lịch sử về thiên tài trí tuệ, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản lĩnh sáng tạo của Đảng
- một Đảng chân chính cách mạng do chính Người sáng lập và rèn luyện. Dưới ngọn
cờ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt
của Đảng do Người đứng đầu, nhân dân ta trong cách mạng và trong kháng chiến đã
đánh bại cả chủ nghĩa thực dân cũ lẫn thực dân mới, đã đưa dân tộc ta vào hàng
ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới chống chủ nghĩa thực dân, đã thực hiện
mục tiêu giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc và từng bước quá độ tới chủ
nghĩa xã hội.
Tính công khai, minh bạch
(về luật pháp, chính sách, thông tin), tính quy định trách nhiệm, tính ràng
buộc giữa quyền và nghĩa vụ từ cán bộ công chức tới công dân, đó là những yêu
cầu không thể thiếu để bảo đảm dân chủ thực chất.
Tám, dân chủ còn là vấn
đề đạo đức. Muốn thực hiện dân chủ trong xã hội, trong Nhà nước phải có luật
pháp, phải quy định nền nếp, kỷ luật, kỷ cương đồng thời phải có đạo đức, nhất
là ở người lãnh đạo, nắm chức vụ, giữ quyền hành.
Chín, dân chủ và thực hành
dân chủ là phương thuốc (giải pháp) hữu hiệu để chống tham nhũng (quan liêu,
lãng phí, tham ô) bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của thể chế, của chế độ.
Mười, dân chủ phải trở
thành văn hóa dân chủ, với hai nhân tố cốt yếu là luật pháp và đạo đức, phải
được thể hiện trong lối sống, trong ứng xử giữa người với người, với tự mình,
tức là tự ứng xử.
Bản chất của dân chủ
Trong quan niệm của các
nhà kinh điển, dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể sáng
tạo lịch sử. Nhân dân tự quy định, tự quyết định lấy cuộc sống và vận mệnh của
mình. C.Mác và Ph.Ăng-ghen cho rằng, dân chủ là hình thái biểu hiện của quyền
lực nhà nước mà nhân dân phải tổ chức và kiểm soát được. V.I.Lê-nin đặc biệt
nhấn mạnh sự tham gia của quần chúng vào công việc quản lý nhà nước.
Hồ Chí Minh đưa ra một
luận đề rất ngắn gọn, cô đọng, lột tả được thực chất, bản chất của dân chủ.
Theo Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Người khẳng
định đồng thời vị thế và năng lực của dân trong tư cách chủ thể, là người chủ
xã hội, chủ nhà nước. Chỉ với luận điểm này, Hồ Chí Minh đã thực hiện một cuộc
cách mạng trong nhận thức về dân chủ, so với tư tưởng dân chủ thời phong kiến
và cả dân chủ tư sản. Các nhà tư tưởng với ý thức hệ phong kiến quan niệm dân
chủ là chủ của dân. Dưới chế độ phong kiến, quyền lực và quyền uy đều tập trung
trong tay nhà vua. Dân chỉ là thần dân, thảo dân, là bề tôi tự nhiên chịu ơn
huệ và bị trói buộc bởi luật lệ và những quy định của triều đình. Dân chủ tư
sản chỉ đem lại lợi ích và quyền lực cho một thiểu số người giàu có.
Định nghĩa dân chủ của Hồ
Chí Minh phủ định tất cả những quan niệm ấy, để khẳng định vai trò chủ động,
tích cực của dân. Người nhấn mạnh, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân
dân. Trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Người còn
nhấn mạnh, dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân. Như vậy, Người coi dân
chủ là một giá trị, một tài sản (thành quả do đấu tranh giải phóng mà có) nên
dân phải được làm chủ, là chủ thể sở hữu tài sản ấy. Nó quy định tính tất yếu
nhà nước phải là của dân. Dân là chủ sở hữu nhà nước của mình. Nhà nước chỉ là
chủ thể đại diện cho chủ thể ủy quyền là dân.
Trong tác phẩm nổi tiếng
“Dân vận” (năm 1949), Người đã cô đúc lý luận dân chủ ngay ở phần mở đầu tác
phẩm, trong đó Người nói rõ: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích thuộc
về dân. Bao nhiêu quyền đều là của dân. Quyền hành và lực lượng là ở nơi dân.
Cũng do đó, tôn trọng dân
chủ thì tất yếu phải đề cao dân, phải trọng dân (tôn trọng, kính trọng, lễ
phép) và trọng pháp (pháp luật để bảo vệ dân).
Dân chủ với sự nổi bật địa vị, vai trò, sức mạnh
của dân như vậy nên bản chất của dân chủ là một bản chất nhân văn (đề cao giá
trị con người) và một bản chất pháp lý (nhà nước pháp quyền với luật pháp là
tối thượng để bảo vệ dân). Nhân văn và pháp lý là hai thuộc tính nổi bật của
dân chủ.
Vai trò, tác dụng của dân
chủ
Hồ Chí Minh thấy rõ sức
mạnh của dân nên đồng thời khẳng định sức mạnh của dân chủ như một sức mạnh
giải phóng, giải phóng ý thức tư tưởng, giải phóng mọi tiềm năng xã hội, nhờ đó
phát huy được mọi khả năng sáng tạo, làm nở rộ những tài năng, sáng kiến của
nhân dân, tạo ra những nguồn lực dồi dào cho tiến bộ và phát triển.
Theo Hồ Chí Minh, tác dụng
thúc đẩy, phát triển để hướng tới tiến bộ, văn minh của dân chủ được thể hiện
trên nhiều lĩnh vực: Sản xuất, làm kinh tế vì ích nước lợi nhà, thoát được đói
nghèo, dần dần trở nên giàu có. Nhờ có dân chủ mà thể chế, luật pháp, bộ máy
nhà nước mới có sức mạnh, mới hướng vào mục tiêu phục vụ dân, bảo vệ dân. Nhờ
có dân chủ mà Đảng mới phát huy được uy tín, ảnh hưởng xã hội rộng lớn trong
dân. Quan hệ gần gũi, mật thiết giữa Đảng và Nhà nước thì phải có dân chủ, dân
sẽ dám nói, dám nghĩ, dám làm. Cán bộ đảng viên thì có gan nói, gan làm, dám
chịu trách nhiệm. Có dân chủ, thực hiện tự do tư tưởng, tự do thảo luận, tranh
luận để tìm ra chân lý thì sẽ khắc phục được thói áp đặt, quan liêu, mệnh lệnh.
Bảo đảm và phát huy được dân chủ thì quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do
phục tùng chân lý. Đây là một tác dụng vô cùng to lớn, kích thích mọi khả năng sáng
tạo, nhất là đối với giới trí thức.
Do đó, Nhà nước phải phát
triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân. Chính phủ là chính phủ
của toàn dân, chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê
bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành, tận tụy của
dân. Sức của dân rất lớn. Lực lượng của dân dồi dào. Sáng kiến của dân là vô
tận. Dân có trăm tai nghìn mắt ở cơ sở nên hiểu tình hình, hiểu cán bộ. Giám
sát thanh tra của dân làm cho những sai trái, khuất tất sẽ lộ ra, nhờ đó mà kịp
sửa chữa, chấn chỉnh. Bộ máy có trong sạch, cán bộ có liêm khiết thì mới phục
vụ được dân. Muốn vậy phải dựa vào dân. Phải đưa mọi vấn đề cho dân thảo luận
và tìm cách giải quyết.
Vai trò, tác dụng của dân
chủ còn ở chỗ, dân chủ thúc đẩy đoàn kết, tăng cường đồng thuận và ngăn chặn
quan liêu, tham nhũng. Có dân chủ thực chất, tức là bảo đảm sự tôn trọng, tin
cậy và bình đẳng thì mới đoàn kết thực chất được. Có dân chủ và đoàn kết thì xã
hội mới đồng thuận, để đồng tâm hiệp lực vào công cuộc xây dựng chế độ, phát
triển kinh tế, văn hóa vì hạnh phúc chung.
Nội dung toàn diện của dân
chủ
Luôn thấm nhuần quan điểm
toàn diện và thực tiễn, Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự cần thiết phải quan tâm đến
mọi mặt của đời sống và chú ý hài hòa các mối quan hệ. Trọng tâm có bốn vấn đề
phải coi là quan trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Không
được xem nhẹ một mặt nào. Nội dung toàn diện của dân chủ thể hiện ở các mặt ấy.
Người nêu trước hết là dân chủ trong chính trị. Người khẳng định, nước ta là
nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Bởi thế, thực hiện dân chủ
chính trị thì phải bảo đảm phát huy quyền làm chủ của dân. Đây là bản chất của
dân chủ mà cũng là bản chất của chủ nghĩa xã hội. Phải thể chế hóa quyền dân
chủ chính trị, quyền làm chủ của dân qua Hiến pháp và các đạo luật, qua thể chế
bầu cử để dân được tự do lựa chọn người xứng đáng làm đại diện cho mình. Ủy
quyền kèm theo kiểm tra, giám sát thực hiện quyền. Dân là chủ thì từ Chủ tịch
nước, các bộ trưởng cho đến tất cả các công chức, viên chức phải là người phục
vụ dân, chịu sự kiểm tra, giám sát, đánh giá, bãi miễn của dân theo luật định.
Mỗi công dân đều có quyền
bầu cử, ứng cử để cùng lo việc nước. Quyền ấy phải được tôn trọng và bảo vệ.
Người công dân là con người chính trị, có quyền tham gia chính sự. Người kêu
gọi các tầng lớp nhân dân ta, công nhân, nông dân, lao động trí óc, các nhà
công thương, đồng bào thiểu số, ai nấy hãy làm tròn nghĩa vụ của người công
dân, người chủ nước nhà.Và Người tha thiết mong muốn, làm cho các dân tộc anh
em dần dần tự quản lấy mọi công việc của mình, để mau chóng phát triển kinh tế
và văn hóa của mình, để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt.
Trong khi đề cập tới dân
chủ chính trị, Hồ Chí Minh còn bàn tới phương thức thực hiện dân chủ, dân chủ
trực tiếp và tự quản sẽ phải ngày một phát triển cùng với dân chủ gián tiếp
(qua cơ chế bầu cử, chọn người đại diện).
Dân chủ chính trị đòi hỏi
mọi cán bộ đảng viên, công chức, từ người lãnh đạo quản lý có chức vụ, quyền
hành đến nhân viên thường đều phải hết lòng hết sức phục vụ dân, làm đầy tớ cho
dân chứ không phải làm “quan cách mạng”, không được lên mặt “quan cách mạng”,
là dân chủ chứ không phải “quan chủ”.
Để thực hiện dân chủ chính
trị, Nhà nước phải là nhà nước mạnh, quản lý theo luật pháp để bảo vệ dân và
phục vụ dân. Vì dân, Đảng phải là một đảng chân chính cách mạng, trong sạch, có
dũng khí tự phê bình và phê bình, không che giấu khuyết điểm, sai lầm, lãnh đạo
Nhà nước và xã hội, làm tất cả vì hạnh phúc của dân, nhất là phải luôn luôn
liên hệ mật thiết với dân chúng. Các đoàn thể do dân lập ra phải làm tốt công
tác dân vận, cho đúng và cho khéo, chăm lo bảo vệ lợi ích và tổ chức đời sống
văn hóa cho quần chúng đoàn viên, hội viên.
Dân chủ trong kinh tế, quan trọng nhất là
bảo đảm công ăn việc làm cho mỗi người dân, phải tôn trọng lợi ích, trước hết
là lợi ích vật chất để ai ai cũng có ăn, có mặc, có nhà ở, được học hành, được
chăm sóc sức khỏe. Lợi ích phải được phân phối công bằng, không chia đều theo
lối bình quân. Như thế lại là không công bằng. Phải thực hiện quyền được lao
động, quyền có việc làm. Nhà nước phải có kế hoạch, chính sách lo công ăn việc
làm cho dân, khuyến khích dân chủ động tự lo việc làm, quan tâm xóa đói, giảm
nghèo và khuyến khích dân làm giàu, miễn là làm giàu chính đáng bằng sức lao
động của mình, được pháp luật cho phép. Người lao động phải làm chủ tư liệu sản
xuất, làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động.
Trong dân chủ kinh tế,
Người đặc biệt quan tâm tới nông dân ở nông thôn. Người nhấn mạnh, bao giờ ở
nông thôn, nông dân thực sự nắm chính quyền, nông dân được giải phóng thì mới
là dân chủ thực sự. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có
ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Dân chủ trong kinh tế phải gắn liền với
dân chủ trong chính trị, phải tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát để không
xảy ra tình trạng quan liêu, lãng phí, tham ô, gây tổn hại tới lợi ích của
người dân và lợi ích chung của xã hội.
Hồ Chí Minh nhìn nhận rất
sâu về tình trạng quan liêu từ góc độ đạo đức của cán bộ công chức. Quan liêu
là do xa dân, khinh dân, sợ dân, không tin dân, không hiểu dân, không thương
dân. Tham ô, lãng phí là kẻ thù của dân, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là
dân chủ.
Để thực hiện đầy đủ và
thực chất dân chủ chính trị, dân chủ kinh tế, giữ cho chế độ bền vững, nhân dân
được thụ hưởng lợi ích và quyền của mình, theo Hồ Chí Minh, phải đề cao luật
pháp, tăng cường đạo đức. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm,
bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì.
Dân chủ trong kinh tế còn
phải chú trọng tới năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất và kinh
tế để dân ngày càng no đủ, khá giả mà xã hội cũng ngày càng phồn vinh, đất nước
phú cường, dân có giàu thì nước mới mạnh. Phải giảm dần những khoản đóng góp của
dân, bớt gánh nặng cho dân. Thuế do dân đóng góp phải phục vụ lợi ích của dân.
Tính hiện thực, giá trị
thực tế của dân chủ là ở chỗ đời sống vật chất, tinh thần của dân có được nâng
cao hay không? Dân chỉ biết đến độc lập, tự do, dân chủ khi dân được ăn no mặc
đủ. Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập
cũng chẳng có nghĩa lý gì.
Dân chủ còn phải được thể
hiện trong quản lý xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội, thực thi các chính
sách xã hội và an sinh xã hội cho dân.
Các vấn đề xã hội là vô
cùng lớn và phức tạp, liên quan đến đời sống của tất cả mọi người dân, sao cho
người dân không rơi vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói, thất học, đau ốm, không có
nhà ở, người già cô đơn, trẻ mồ côi không ai chăm sóc. Xã hội phải ổn định,
bình yên, các tệ nạn tội phạm phải được giải quyết, phải dùng luật pháp kết hợp
với giáo dục và hành chính. Tóm lại là phải bảo đảm cho dân được an sinh và an
ninh. Dân chủ trong lĩnh vực xã hội đòi hỏi ở Đảng và Chính phủ trách nhiệm rất
nặng nề, phải thường xuyên quan tâm giải quyết một cách thiết thực, cụ thể, vì
dân.
Hồ Chí Minh chú trọng tới
các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, các quan hệ dân tộc, tôn giáo, các thế
hệ, từ người già đến trẻ thơ, từ nông thôn, công nhân, chiến sĩ bộ đội, công an
đến thanh niên, phụ nữ, từ các trí thức lớn, các nhân tài của quốc gia cho đến
đồng bào nghèo ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Hoài bão, khát vọng,
ham muốn và ham muốn tột bậc của Người cũng chỉ xoay quanh độc lập tự do cho Tổ
quốc, hạnh phúc cho đồng bào. Không chỉ lo đời sống hằng ngày cho dân, Người
còn quan tâm đến sự tiến bộ, trưởng thành của thế hệ trẻ, các giới, các ngành,
đặc biệt là sự bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ.
Nói tới thanh niên, Người
nhấn mạnh, thanh niên là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước
văn hóa độc lập, tự do. Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà mình.
Đối với phụ nữ, Người cho
rằng, nếu không giải phóng được phụ nữ, không thực hiện bình đẳng nam nữ thì
mới chỉ là chủ nghĩa xã hội một nửa.
Rõ ràng, thực hiện dân
chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự cho nhân dân, không chỉ thực hiện dân chủ
chính trị, dân chủ kinh tế, xã hội, thực hiện quyền và lợi ích mà còn cần phải
xây dựng đạo đức lành mạnh, phải chống chủ nghĩa cá nhân - một thứ giặc ở trong
lòng. Nếu không đánh bại chủ nghĩa cá nhân thì không thể xây dựng thành công
chủ nghĩa xã hội. Nếu không đánh thắng chủ nghĩa cá nhân thì cũng không thể thi
hành dân chủ đầy đủ, thực chất được.
Dân chủ trong văn hóa,
tinh thần, theo
nghĩa rộng, bao gồm cả giáo dục, khoa học kỹ thuật - công nghệ. Là nhà văn hóa
lớn, kiệt xuất, lại là người thực hành dân chủ đến nơi, Người đặc biệt quan tâm
tới dân chủ trong đời sống văn hóa. Muốn có dân chủ trong văn hóa phải thực
hiện giải phóng tư tưởng, giải phóng ý thức xã hội, bảo đảm tự do tư tưởng. Có như vậy, con người ta mới nghĩ
thật, nói thật, tránh rơi vào tình trạng phân thân, sống giả dối. Nói tới văn
hóa theo tinh thần dân chủ, Người coi trọng tự do tư tưởng để tạo động lực cho
sáng tạo.
Trong nhà trường cũng phải
có dân chủ, trong quan hệ thầy - trò phải có dân chủ, thầy yêu quý trò, trò
phải kính trọng thầy, nhưng dân chủ phải có kỷ cương, không phải “cá đối bằng
đầu”.
Gia đình là tế bào, là hạt
nhân của xã hội. Dạy đạo đức, rèn luyện nhân cách cho con người bắt đầu từ
trong gia đình, muốn vậy, trong gia đình phải có dân chủ và kỷ cương, phải có
đạo lý, tình nghĩa.
Về nguyên tắc dân chủ tập
trung
Đây là một nguyên tắc cốt
tử của tổ chức đảng cộng sản, cũng đồng thời là nguyên tắc của nhà nước trong
tổ chức và quản lý. Các tổ chức chính trị trong hệ thống chính trị cũng phải
theo nguyên tắc này.
Nguyên tắc dân chủ tập
trung là một phương diện cấu thành nội dung tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh. Ở
đây, Hồ Chí Minh có sự sáng tạo khi vận dụng nguyên lý kinh điển mác-xit về dân
chủ. Hồ Chí Minh diễn đạt nguyên tắc này là dân chủ tập trung. Cái mới ở Hồ Chí
Minh là đặc biệt chú trọng tới dân chủ, vận dụng đúng đắn quan hệ giữa dân chủ
và tập trung, bảo đảm cho mối quan hệ này là lành mạnh, tích cực, không bị lệch
lạc cực đoan.
Nói về Đảng Lao động Việt
Nam tại Đại hội II (năm 1951) và khi Đảng ra công khai, Người nhấn mạnh, về tổ
chức, Đảng Lao động Việt Nam theo chế độ dân chủ tập trung. Người nhiều lần
giải thích rằng thảo luận, tranh luận thẳng thắn, nói rõ và nói hết ý kiến,
cùng nhau tìm tòi chân lý, đạt tới sự thống nhất, đó là dân chủ. Tôn trọng
quyết định, chỉ thị, nguyên tắc, chấp hành mệnh lệnh chỉ huy, chấp hành nghị
quyết của các cấp lãnh đạo, của người lãnh đạo, đó là tập trung.
Tập thể lãnh đạo là dân
chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Kết hợp giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân
phụ trách, đó là dân chủ tập trung. Đảng là một tổ chức cách mạng, phải thống
nhất tư tưởng, ý chí, hành động. Kỷ luật của Đảng nghiêm minh, là “kỷ luật sắt”
nhưng là kỷ luật tự giác. Cũng có khi Người sử dụng khái niệm tập trung dân chủ
nhưng vẫn luôn luôn nhấn mạnh dân chủ, tập trung trên cơ sở dân chủ. Người cũng
thẳng thắn phê bình các lãnh đạo của Đảng có lúc, có nơi, không được dân chủ,
cần phải chú trọng sửa chữa. Vấn về sâu xa là ở chỗ, dân chủ không đối lập với
tập trung, rất cần tập trung. Tập trung không đối lập với dân chủ, phải luôn
luôn dựa trên cơ sở dân chủ. Dân chủ chỉ đối lập với quan liêu, chuyên chế, độc
tài. Tập trung chỉ đối lập với phân tán, cục bộ, tự do vô chính phủ. Dựa trên
dân chủ, xuất phát và hướng đích tới dân chủ thì sẽ có tập trung lành mạnh,
không biến thành tập trung quan liêu. Dân chủ phải được bảo đảm bởi tập trung,
dẫn tới tập trung để không rơi vào tự do vô chính phủ, bè phái, cục bộ. Nguyên
tắc dân chủ tập trung, coi dân chủ là mục đích, tập trung là điều kiện, phương
thức thực hiện.
Cái khó là sự cụ thể hóa
và vận dụng sao cho đúng. Nó biểu hiện thành các nguyên tắc, các quy định:
Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng
Trung ương và Đại hội.
Là một nhà dân chủ giữ
vững nguyên tắc, nhưng rất tinh tế trong ứng xử, Hồ Chí Minh luôn đề cao tự phê
bình và phê bình, tôn trọng ý kiến khác, không đồng nhất thiểu số với sai lầm,
bởi đa số không phải khi nào cũng đúng. Phải căn cứ vào thực tiễn, khi thực
tiễn đã làm sáng tỏ sự thật đúng - sai thì phải xem xét lại các kết luận, không
thành kiến với người có ý kiến thiểu số, mang ý kiến thiểu số vẫn có quyền bảo
lưu tới cấp trung ương nhưng đồng thời phải tôn trọng nghị quyết, quyết định
của cấp trên. Hồ Chí Minh đã rất chú trọng những nguyên tắc đó và thực hành mẫu
mực, có lý có tình, tôn trọng tổ chức, tôn trọng con người, tôn trọng nhân cách
từng người. Đó cũng là tiêu biểu cho văn hóa dân chủ của Hồ Chí Minh./. Theo http://www.tapchicongsan.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét