Trong quá
trình vận động và phát triển của mỗi dân tộc trên thế giới, các dân tộc đều
hình thành truyền thống văn hoá đặc trưng cho dân tộc mình. Văn hoá là sản phẩm
của con người và tự nhiên, nên mọi sự khác biệt trong truyền thống văn hoá của
các dân tộc là do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý - khí hậu) và xã
hội (lịch sử kinh tế) quy định. Trong phát triển kinh tế hiện nay, xu hướng hội
nhập kinh tế giữa các nước là một tất yếu và như vậy sẽ dẫn đến sự "va
chạm" giữa các nền văn hoá khác nhau. Trong đó, những đặc điểm tâm lý của
dân tộc là "cốt lõi" tạo nên sự thuận lợi hoặc cản trở trong quá
trình hội nhập. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những đặc điểm tâm
lý của người nông dân Việt Nam
(80% dân số Việt Nam làm
nông nghiệp) ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hội nhập kinh tế hiện nay ở Việt Nam .
Ở Việt Nam , người nông
dân sống phụ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều. Họ sống cố định một chỗ, ở dưới
một mái nhà với mảnh vườn của mình được bao bọc bởi luỹ trẻ làng bảo vệ. Trong
sản xuất, người nông dân phụ thuộc vào nhiều hiện tượng của tự nhiên như trời,
đất, nắng, mưa... Bởi vậy mà họ rất tôn trọng, hoà thuận với tự nhiên và phụ
thuộc vào nó. Sống phụ thuộc vào tự nhiên làm người nông dân dễ trở nên rụt rè,
thụ động. Người Việt đã tích luỹ được những kinh nghiệm hết sức phong phú trong
sản xuất. Đó là hệ thống tri thức thu được bằng con đường kinh nghiệm chủ quan,
cảm tính. Trong quan hệ ứng xử giữa con người với nhau từ gia đình đến làng xóm
đều theo nguyên tắc trọng tình (duy tình). Hàng xóm sống cố định lâu dài với
nhau là một môi trường thuận lợi để người nông dân tạo ra một cuộc sống hoà
thuận trên cơ sở lấy tình nghĩa làm đầu: Một bồ cái lý không bằng một tí cái
tình (tục ngữ). Lối sống trọng tình cảm sẽ tất yếu đẩy cái "lý" (luật
pháp) xuống hàng thứ hai.
Lối sống trọng
tình đã dẫn đến cách ứng xử hết sức linh hoạt và thích ứng nhanh với điều kiện
hoàn cảnh cụ thể: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, Đi với bụt mặc áo cà sa/ Đi
với ma mặc áo giấy (tục ngữ). Với nhu cầu sống hòa thuận trên cơ sở cái gốc là
tình cảm giữa con người với nhau trong làng xóm càng làm cho lối sống linh hoạt
trở nên đậm nét và chính là cơ sở tâm lý hiếu hòa trong các mối quan hệ xã hội
dựa trên sự tôn trọng và cư xử bình đẳng với nhau. Do vậy, người nông dân hết
sức coi trọng tập thể, cộng đồng, làm việc gì cũng phải tính đến tập thể. Lối
sống linh hoạt, trọng tình, dân chủ là những đặc điểm tích cực, nhưng mặt trái
của nó là đặc điểm tâm lý áp đặt, tuỳ tiện, tâm lý "hòa cả làng", coi
thường phép nước (pháp luật): "Phép vua thua lệ làng", "Đưa nhau
đến trước cửa quan, bên ngoài là lý bên trong là tình”.
Cuộc sống nông
nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên. Do vậy, người nông dân phải dựa vào nhau để
chống chọi lại với thiên tai. Hơn nữa, nền nông nghiệp lúa nước lại mang tính
thời vụ rất cao, điều đó có nghĩa là mọi người phải liên kết lại với nhau, hỗ
trợ nhau cho kịp thời vụ. Do đó, tính cộng đồng là một đặc điểm tâm lý đặc
trưng của người Việt Nam
trong văn hóa làng xã. Ở Việt Nam ,
làng xã và gia tộc (họ) nhiều khi đồng nhất với nhau. Bởi vậy, gia tộc trở
thành một cộng đồng gắn bó và có vai trò quan trọng đối với người Việt. Sức
mạnh của gia tộc thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương yêu nhau. Người trong họ
có trách nhiệm cưu mang, hỗ trợ nhau về vật chất, tinh thần và dìu dắt, làm chỗ
dựa cho nhau về chính trị (Một người làm quan cả họ được nhờ). Quan hệ huyết
thống là cơ sở của tính tôn ti: người sinh ra trước là bậc trên, người sinh ra
sau là bậc dưới. Tính tôn ti trong trật tự của các dòng tộc đã dẫn đến mặt trái
của nó là tâm lý gia trưởng, trọng nam khinh nữ và đặc biệt là tâm lý địa
phương, cục bộ. Đây là một rào cản rất lớn trong quá trình hội nhập của người
nông dân Việt. Làng xã Việt Nam
như một vương quốc thu nhỏ với luật pháp riêng (hương ước) tạo nên một sự cố
kết, bền vững của làng xã và cũng đã tạo nên tâm lý bè phái, địa phương, ích
kỷ. Hương ước của làng xã chính là hệ thống giá trị, chuẩn mực của làng xã, nó
quy định cung cách ứng xử, lối sống của cá nhân trong làng, tạo nên sự đồng
nhất, mà trước hết là trong dòng họ. Sự đồng nhất mà cơ sở là tính cộng đồng có
mặt tích cực là làm cho mọi người luôn đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau
(trong dòng họ trước hết) như: Chị ngã em nâng (tục ngữ). Nhưng mặt trái của
tính đồng nhất là ý thức về cá nhân bị thủ tiêu.
Sự đồng nhất
(giống nhau) dẫn đến chỗ người nông dân Việt Nam hiện nay nhiều khi có thói quen
dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể, vào số đông: Nước nổi thì thuyền nổi hoặc Cha chung
không ai khóc (tục ngữ). Cũng từ đó, một nhược điểm của họ là tâm lý cào bằng,
đố kỵ, không muốn cho ai hơn mình (để cho tất cả mọi người đồng nhất, như nhau)
- Xấu đều hơn tốt lỏi (tục ngữ) - vẫn còn biểu hiện ở không ít địa phương.
Ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam hiện nay,
người ta coi trọng cái tiếng (danh dự) hơn các thứ khác. Do vậy, họ sẵn sàng
chết đói, chết rét, chết bom, chết đạn để che chở, nuôi nấng cho con cháu mình
được học hành, đỗ đạt.
Tâm lý sĩ diện
trong đời sống làng xã của người nông dân dẫn đến tính khoa trương, trọng hình
thức. Mặc dù đời sống kinh tế hiện nay của người nông dân văn còn khó khăn,
nhưng họ sẵn sàng tuân theo các thủ tục, nghi lễ nặng nề, tốn kém trong cưới
xin, ma chay, khao vọng, hội lễ... Những hủ tục này gây nên sự tiêu tốn kinh
phí rất lớn cho cá nhân cũng như cho cộng đồng, do vậy dẫn đến sự đói nghèo của
nhiều gia đình nông dân. Đây là một vật cản lớn trong quá trình hội nhập kinh
tế của người nông dân Việt Nam .
Ngày nay, văn hoá làng xã còn ảnh hưởng cả đến đời sống đô thị, khiến cho đô
thị Việt Nam
vẫn còn phảng phất những nét, phong cách của nông thôn.
Như vậy, để
thực hiện thành công quá trình CNH - HĐH đất nước, cùng với những nhiệm vụ
chính trị khác, chúng ta cần khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của một số yếu
tố tâm lý. Đây là một nhiệm vụ quan trọng. Nguồn:
Tâm lý học - Số tháng 7/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét