Lưu thông bằng xe máy được xem là một nét đặc trưng của giao thông Việt. Tuy nhiên, nhiều người chỉ chạy xe theo thói quen mà mình tự học chứ không phải là lái xe an toàn và đúng luật. Chính cái thói quen ấy, lâu dần thành ý thức chạy xe tùy tiện như ngày nay.
Có người nói vui (mà thật) rằng, nếu liệt kê những cái xấu xí của người Việt khi tham gia giao thông thì ngồi cả ngày kể cũng không hết. Chính những thói quen xấu ấy, khiến giao thông Việt ngày càng hỗn loạn và “đáng sợ” đối với khách nước ngoài mỗi khi có dịp đặt chân đến đất nước hình chữ S hiền hòa này! Muốn đường thông, hè thoáng để “đi đến nơi, về đến chốn”, mỗi người cần phải từ bỏ những thói quen xấu, tự luyện tập thói quen an toàn - bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất.
“Quên” nói lời cảm ơn, xin lỗi
Hằng ngày, đi trên đường, không khó để bắt gặp những trường hợp người đi xe máy quên tắt xi-nhan, quên gạc chân chống xe…và bên cạnh đó, không khó để nghe những lời nhắc nhở từ người đi đường “anh ơi, gạt chân chống lên kìa” hay “ chị ơi, chưa tắt xi-nhan”… hầu như mọi người chỉ thò chân gạt chân chống, tắt xi-nhan và quên khuấy việc cảm ơn.
Tình trạng ùn tắc diễn ra hằng ngày, phần lớn do "thói hư tật xấu" của người tham gia giao thông. |
Đã đành rằng, người nhắc chỉ cần người kia nghe thấy và tránh được tai họa, chẳng màng việc có được cảm ơn hay không, nhưng người được giúp đỡ thì phải cảm ơn như một phép lịch sự tối thiểu. Đây chẳng phải là điều mà mỗi người đã được dạy từ khi còn bé? Có người thanh minh "lúc đấy đang đi xe máy nhanh, chỉ kịp nghĩ là gạt chân chống lên cái đã. Vì vội và cuống nên người ta không nhớ ra đâu" hoặc "lúc định cảm ơn thì xe kia đã đi trước rồi". Người Việt mình là vậy, làm việc tốt rất sợ người khác biết, trong khi nhiều việc chưa tốt thì cứ vô tư thể hiện bất kể giữa đám đông. Người xa lạ đã không ngại dành thời gian để giúp mình thì mình ngại và tiếc gì một lời cảm ơn ngay giữa phố.
Va chạm nhỏ, nảy sinh mâu thuẫn
Ông bà xưa đã dạy, “một điều nhịn, chín điều lành”, thế nhưng nhiều người lại có thiên hướng bẩm sinh “chuyện bé xé ra to”. Đôi khi chỉ vì những va chạm nhỏ vô tình trên đường, họ không ngại xích mích, mâu thuẫn dẫn đến đụng độ, có khi là giải quyết bằng “nắm đấm”, dao phay, dây xích… Hậu quả là, va chạm không đáng kể, mà thương tật là do thói hung hăng.
Tắc đường, xe máy trèo lên vỉa hè không phải là hiếm
Nếu phân tích thì, ngoài trường hợp khách quan như tai nạn giao thông, hầu hết các trường hợp kẹt xe là do người đi đường tự gây nên. Nếu cứ đi đúng luật, tuân thủ đúng tín hiệu đèn đường, đi đúng làn qui định…thì sẽ khó mà có cảnh kẹt xe. Tuy nhiên, nhiều người chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên cái lợi lâu dài, chỉ vì muốn nhanh ít giây, đâm ra chậm cả tiếng, cùng với đó là khói bụi, tiếng ồn, chen lấn, kèm theo tâm lý bực bội. Đã vội càng vội hơn. Đèn xanh chưa đến đã nhích, đèn đỏ chưa hết đã phăng phăng, đi “ké” làn đường của phương tiện khác, đường chật thì leo xe lên vỉa hè… "Đường ta ta cứ đi", bất chấp luật lệ và nguy cơ tai nạn. Đó mới chính là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc triền miên ở nước mình.
"Đường ta ta cứ đi", bất chấp luật và sự nguy hiểm. |
Tháo gương chiếu hậu hoặc sử dụng sai mục đích
Rất nhiều người đi xe máy không lắp đúng gương chiếu hậu, đặc biệt là giới trẻ. Lý do là không có thầy cô nào chỉ bảo và “hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, nhiều người chỉ chạy xe theo thói quen. Cùng với tâm lý sợ xấu, sợ bất tiện nên nhiều người tháo gương chiếu hậu, tự lắp gương thời trang, chỉ để làm cảnh chứ hoàn toàn không sử dụng được vào mục đích nhìn gương để tham gia giao thông. Gương chiếu hậu có cũng như không, mục đích chính chỉ là để đối phó với cảnh sát giao thông.
Sang đường “quên” xi- nhan
Dường như nhiều người quên rằng xe mình có đèn xi-nhan. Thế nên dù xe vẫn trang bị đầy đủ đèn, nhưng khi sang đường, có người ….giơ tay xin thay vì bật đèn, có người còn không. Có lẽ thói xấu này xuất phát từ thói quen đi xe đạp lâu năm. Việc này không chỉ gây nguy hiểm cho mình mà gây khó khăn cho người cùng tham gia giao thông khi xe bất ngờ rẽ không báo hiệu. Nhiều vụ va chạm, tai nạn xảy ra cũng chỉ vì thói quen xấu này.
Ngay cả ô tô cũng "ngại" xi-nhan khi sang đường. |
Tâm lý “mình không lấn thì thằng khác sẽ lấn"
Trong dòng xe cộ đông đúc, trong khi ôtô đang xếp hàng trên làn đường của mình thì xe máy như những dòng nước tự động “điền vào chỗ trống” xung quanh dù ôtô đang xi-nhan xin rẽ. Tâm lý này một số tài ôtô bắt chước nên ùn tắc càng trầm trọng.
Vượt mọi lúc, mọi nơi dù trên vỉa hè hay dưới lòng đường, cứ có khoảng trống là chen lên với suy nghĩ: "mình không lên thì người khác lên mất". Kết cục đường tắc ngày càng tắc. Đã tắc thì không còn lối thoát.
Hiện tượng này phổ biến là do người giám sát giao thông chưa nghiêm và lấy lý do xe đông nên bỏ qua lỗi vi phạm lấn làn, sai tuyến của người đi xe máy. Một người chen được thì người khác bắt chước và dần dần hình thành thói quen “chen”, “lấn”, “cướp”, “tạt”, cắt” dù là dân lao động hay dân trí thức; là tiểu thư đài các hay buôn thúng bán bưng.
Chen lấn khiến giao thông hỗn loạn, xấu xí. |
Đi ngang về tắt
Để tránh đi vòng, tiết kiệm thời gian, nhiều phương tiện chọn cách đi ngược chiều, đi vào làn đường của phương tiện khác - kể cả đường dành riêng cho tàu hỏa, dù hiểu rằng hành động này rất nguy hiểm. Và thực tế cũng đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra bởi thói quen “đi ngang về tắt” vô cùng nguy hiểm này. Rốt cuộc là, "nhanh một giây nhưng chậm cả đời".
"Đi ngang về tắt" vô tội vạ. |
Lạm dụng còi xe
Ở Hàn Quốc, khi ra đường hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là cảnh xe cộ cũng đông đúc như ở Việt Nam, vậy nhưng họ luôn đi đúng luật giao thông. Mặc dù xe cộ rất nhiều nhưng rất ít khi nghe tiếng còi, bởi vì người ý thức tham gia giao thông của họ quá tốt nên chẳng cần dùng đến còi xe nữa. Đáng buồn là ở Việt Nam, tiếng còi xe được sử dụng với tần suất rất cao. Nếu nhà ở cạnh đường lớn, sẽ được nghe còi xe 24/24 đến mức ám ảnh. Chưa thỏa mãn với còi xe vốn có, nhiều người còn trang bị các loại còi với đủ loại âm thanh, khi bóp kêu cho “đã tai” mình và nhức tai người đi đường. Và cũng đã có những "tiếng còi đoạt mạng" khi chính nó là nguyên nhân gây tai nạn giao thông.
Một người nước ngoài, anh Adam Zulawski viết trên tờ Cheapflights một cách hóm hỉnh về giao thông Việt, trong đó có đoạn so sánh: “Ở Anh, nếu một ai đó bấm còi xe, điều đó có nghĩa là bạn gửi đến thông điệp rằng: “Hãy cút xéo khỏi đường của tao. Tao đang rất cáu tiết và muốn giết mày”. Nhưng ở Việt Nam, việc bấm còi liên hồi chỉ đơn giản mang thông điệp là: “Này anh bạn, tôi đang chỉ báo cho anh biết là tôi đang ở đây”. Đó là cách cực kỳ thân thiện và được sử dụng thường xuyên. Nếu bạn đi trên xe buýt giường nằm xuyên Việt, giống như nhiều dân du lịch đã làm, bạn có thể bị các lái xe đánh thức giữa chừng vì tiếng còi xe để tránh các xe môtô trên đường. Tôi đã nói rằng, cái bịt tai chính là người bạn thân của bạn chưa nhỉ?”
Nhiều người trang bị các loại còi với đủ loại âm thanh, khi bóp kêu cho “đã tai” mình
và nhức tai người đi đường.
|
Vừa lái xe vừa nghe điện thoại, gửi tin nhắn
Không chỉ có người điều khiển xe máy, mà cả tài xế lái xe 4 bánh cũng vô tư sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện. Họ thường giảm ga đi chậm, đảo lái liên tục vì thiếu tập trung, thậm chí va vào ai đó mà không hề biết. Trong khi giao thông Việt, chỉ cần xểnh ra một chút là tai họa như chơi.
"Vô tư" nghe điện thoại trong khi điều khiển phương tiện là cảnh không hiếm thấy trên đường.
Xe lớn đền xe nhỏ
Nhiều người cho rằng, xe nhỏ luôn đúng dù mình có sai luật. Khi xảy ra va quệt thì bất kể đúng sai, lấy “luật rừng” ra và tìm sự ủng hộ của quần chúng với sự phân biệt giai cấp giàu nghèo rất rõ rệt. Thế là tắc nghẽn cục bộ.
Vượt gã tư khi đèn vẫn đỏ
Dù đèn đang đỏ, nhưng nếu giao lộ vắng và không có bóng cảnh sát giao thông thì sẵn sàng vượt lên với tốc độ cao. Ngay cả với những người dừng trước đèn đỏ, hễ cứ còn 5, 7 giây là vít ga, vượt ào sao, vượt vô tội vạ mặc cho xe hướng khác vẫn còn đang di chuyển. Thói xấu này càng dễ thấy trong những ngày thời tiết không thuận lợi như quá nóng bức hay trời mưa… Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
Muốn đẩy lùi tai nạn giao thông, hãy luyện tập thói quen an toàn!
Thay đổi ý thức giao thông không phải là chuyện một sớm một chiều, cũng không phải chuyện của một cá nhân, nó thuộc về trách nhiệm của tất cả chúng ta. Sẽ chẳng có tác dụng gì để làm bớt kẹt xe, đẩy lùi tai nạn, giảm đau thương trong xã hội khi mỗi người cứ ra rã “văn hóa giao thông”, ý thức khi đi đường… mà phải luyện tập từ những hành vi nhỏ nhặt hàng ngày khi tham gia giao thông. Gieo hành vi sẽ gặt thói quen, khi thói quen tốt đã hình thành, bản thân mỗi người sẽ có ý thức đảm bảo an toàn mỗi khi ra đường, hạn chế thấp nhất các rủi ro tai nạn. Để có được kết quả đó, cần một quá trình tác động tương hỗ giữa cơ quan chức năng làm nhiệm vụ giám sát quản lý, và người dân trong vai trò thực hiện.
Đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam là một ví dụ điển hình cho quá trình này. Lúc mới ban hành quy định đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy, ai cũng phản đối dù biết mũ bảo hiểm sẽ an toàn hơn cho chính họ. Để quy định được thực thi, cơ quan chức năng ngoài việc làm gương ra đã tích cực kiểm tra, xử phạt nghiêm. Sau một thời gian thực hiện, người dân quen dần với việc đội mũ bảo hiểm, mọi người hiểu được ý nghĩa, và bắt đầu nhắc nhau nếu thấy ai đó quên.
Bên cạnh việc bị nhắc nhở, xử phạt thì chính cảm giác lạc lõng, cô độc của những người cố tình vi phạm đã buột họ phải thay đổi. Như vậy ý thức đội mũ bảo hiểm được hình thành chỉ sau 5 năm thực hiện.
Bên cạnh luyện tập thói quen tốt, mỗi người cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về xe cộ, đường sá, luật giao thông bằng cách đọc sách vở, lên mạng hỏi “bác” Google hay ghé các diễn đàn ôtô xe máy…
Sử dụng gương chiếu hậu và bật xi-nhan đối với xe máy trước khi muốn rẽ; quan sát thấy an toàn mới chuyển hướng và tránh cản trở luồng giao thông; đi đúng làn đường; đúng tốc độ và ứng xử lịch sự như những gì bạn đang thể hiện qua hình thức bên ngoài; chia sẻ với người thân hay bạn bè về an toàn giao thông… Cứ thế, dần dần thói quen tốt mới được hình thành, giúp ý thức tham gia giao thông riêng của mình và chung của xã hội ngày một tốt hơn.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét