Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG, CHỐNG NGUY CƠ "TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA" NỘI BỘ

1. Vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không phải bây giờ, cũng không phải chỉ có ở Việt Nam mà có từ trong Phong trào Cộng sản quốc tế và ở các nước Xã hội chủ nghĩa khác.


“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống chính trị cũng như trong xã hội ở các nước Xã hội chủ nghĩa thường xuất hiện khi mà tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Nói cách khác khi mà cách mạng thế giới, cách mạng trong nước có những “khúc quanh lịch sử” thì trong nội bộ Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội sẽ xuất hiện những đối tượng cơ hội chính trị và nảy sinh vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ngay từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa cơ hội, đối tượng cơ hội chính trị đã xuất hiện trong Phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế theo khuynh hướng tư tưởng đối lập nhau như: Phái Latxan, phái Công Liên, phái Blongxki, phái Bruđông, phái Bacunin… Những phần tử thuộc các trường phái đó không những không đi theo, không ủng hộ mà còn công khai, quyết liệt chống lại Học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là những người cộng sản đã bị biến chất, thoái hóa về tư tưởng chính trị, họ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và trở thành những “con chiên ngoan đạo” của “Chủ nghĩa cơ hội tả khuynh” hay “Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”.

Vào đầu những năm 60, 70 của thế kỷ XX, ở Liên Xô xuất hiện “Chủ nghĩa xét lại hiện đại”, một trào lưu tư tưởng - chính trị đối lập, thù địch với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Những kẻ theo “Chủ nghĩa xét lại”, đứng đầu là Khơ-rut-sốp (nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô), đã phê phán đòi “xem lại”, “xét lại” Học thuyết Mác-Lênin. Trong thời kỳ đó, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện những cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sỹ, phóng viên báo chí, triết gia, sỹ quan quân đội…; trong đó có những người là cán bộ trung, cao cấp theo “Chủ nghĩa xét lại”. Sau đó, ở nước ta cũng đã xuất hiện những cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đi theo “Chủ nghĩa bành trướng, bá quyền, sô-vanh nước lớn” chống lại Đảng, Nhà nước ta.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, khi Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, hệ thống Xã hội chủ nghĩa tan rã, ở nước ta lại xuất hiện các đối tượng cơ hội chính trị. Thực chất đó là những cán bộ, đảng viên đã sa vào “vũng bùn”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

2. Theo Đại Từ điển tiếng Việt: “Diễn biến là biến đổi theo chiều hướng nào đó”; “chuyển hóa là biến đổi từ dạng này, hình thái này sang dạng khác, hình thái khác”(1). Trên cơ sở lý luận và thực tiễn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ góc độ chính trị của Việt Nam cho thấy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nói tới sự suy thoái, thay đổi quan điểm, lập trường tư tưởng - chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hay trong một tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội thuộc hệ thống chính trị của chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường do những nguyên nhân: sự tác động từ hoạt động tuyên truyền thù địch, sự tác động tiêu cực của diễn biến tình hình thế giới (như sự sụp đổ của chế độ Nhà nước Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, hay từ các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng mùa xuân Ả Rập”…) và sự tác động bởi tình trạng mất dân chủ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, phân hóa giàu nghèo gia tăng dẫn tới sự bất mãn, bất bình trong xã hội. Song, trước hết và chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân những cán bộ, đảng viên lập trường tư tưởng - chính trị không vững vàng, do bất mãn hay do sự buông lỏng công tác quản lý, giáo dục của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, Đoàn thể xã hội…

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trên nhiều mặt như: nhận thức lệch lạc về tư tưởng, chính trị; sự sa đọa về đạo đức, lối sống… Các biểu hiện suy thoái trên có quan hệ tương tác với nhau; từ sự suy thoái về tư tưởng - chính trị có thể dẫn tới sự tha hóa về đạo đức, phẩm chất lối sống và ngược lại, tha hóa về đạo đức, lối sống có thể dẫn đến sự thoái hóa về tư tưởng - chính trị.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể diễn ra trong nội bộ Đảng, chính quyền Nhà nước và trong xã hội. Nguy hiểm nhất là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cuộc chính biến ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây bắt nguồn từ sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô cũng như Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở một số nước Đông Âu.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể nảy sinh ở những cán bộ, đảng viên, quần chúng đến những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ở các cấp. Đáng chú ý hơn là những cán bộ cấp cao, cán bộ có nhiệm vụ hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt nguy hiểm là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở những cán bộ cấp cao giữ vai trò “cầm lái con thuyền đất nước”. Sự tan rã của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết gắn liền với tên tuổi của Gorbachev (nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng thống Liên Xô), hay Enxin (nguyên Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Bí thư Thành ủy Moskva) và một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đứng đầu cơ quan Đảng Cộng sản, chính quyền ở các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô hoặc giữ chức Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Chính phủ Liên Xô. Có thể nói, đó là những đảng viên Cộng sản cấp cao “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và trở thành kẻ phản bội lại Đảng Cộng sản Liên Xô, chế độ Xô viết và Phong trào Cộng sản trên toàn thế giới.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không phải là “diễn biến hòa bình”. “Diễn biến hòa bình” là Chiến lược của Chủ nghĩa đế quốc nhằm xóa bỏ chế độ Xã hội chủ nghĩa, tác động chuyển hóa các nước xã hội chủ nghĩa đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Mặc dù không phải là một, song “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại với “diễn biến hòa bình”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hệ quả nảy sinh từ phương thức, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy cái gọi là “cách mạng màu” ở trong các nước xã hội chủ nghĩa cũng như các nước đối lập, đối đầu với Mỹ và đồng minh.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về nhận thức sớm muộn cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi hành vi, hành động chống đối về chính trị của một cá nhân hay một tổ chức. Phản bác, phủ định Chủ nghĩa xã hội có thể dẫn tới có âm mưu, hoạt động chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa dưới hình thức này hay hình thức khác. Ca ngợi chủ nghĩa tư bản rồi cũng đến lúc tin theo chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là vấn đề có tính quy luật. Do vậy, cần phải hết sức cảnh giác và không thể coi thường, hơn thế nữa phải thấy được tính chất nguy hại của vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

3.“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trong một quá trình và thường biểu hiện qua những dấu hiệu sau:

- Nói và làm không theo và thậm chí ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Thể hiện thái độ hoang mang, dao động, đồng tình với quan điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” và hơn thế nữa đòi thực hiện chế độ đa đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Phản bác, phủ định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn;

- Phủ nhận mọi thành tựu mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay;

- Xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, đả kích, bôi nhọ, phủ nhận công lao to lớn nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thậm chí cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và của phong trào Cộng sản, công nhân và nhân dân lao động trên thế giới;

- Truyền bá học thuyết, văn hóa, lối sống tư sản cũng như các quan điểm tư tưởng phi mác-xít, phi xã hội chủ nghĩa, đối lập thù địch với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh;

- Phá hoại nội bộ cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ qua các hành vi gây bè phái, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ, kích động tư tưởng bất mãn, bất bình, chống đối trong nội bộ các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội thuộc hệ thống chính trị của chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Móc nối, câu kết, phối hợp với các thế lực thù địch bên ngoài và các phần tử chống đối ở trong nội bộ và ngoài xã hội chống lại Đảng, chính quyền Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Bảo vệ quan điểm, tư tưởng, hành động sai trái của các phần tử chống đối ở trong nội bộ và ngoài xã hội nước ta. Thậm chí ca ngợi chúng như những nhân vật “anh hùng” đấu tranh cho “dân chủ”, “nhân quyền”… Nhận biết “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một con người hay trong một tổ chức không đơn giản chỉ là căn cứ vào một vài biểu hiện bề ngoài. Bởi vì, hiện tượng bề ngoài không phải lúc nào cũng phản ánh bản chất bên trong. Thực tế có những trường hợp vì bức xúc, bất bình về vấn đề gì đó mà nhất thời có những lời nói, hành động thể hiện thái độ bất mãn thì cũng không nên vội vã cho là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà cần làm rõ nguyên nhân, bản chất sự việc, hiện tượng.

Việc đánh giá, kết luận một trường hợp nào đó có vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phải hết sức thận trọng, khách quan, phải trên cơ sở phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa các dấu hiệu hành vi có liên quan diễn ra trong một quá trình, trong đó mấu chốt của vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự thay đổi quan điểm, lập trường tư tưởng - chính trị theo hướng đối lập, thù địch với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa xã hội.

4.“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang thực sự trở thành một trong những nguy cơ hàng đầu đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, với chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vừa là yêu cầu vừa là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay. Nghị quyết Trung ương 4 số 12-NQ/TW (khóa XI) ngày 16-01-2012 ghi rõ: “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”(2).

Để thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Đảng về phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần phải tiến hành đồng bộ các công tác cơ bản và cấp bách sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trước hết, cần làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thấy được: (1) Tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành; (2) Phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc đấu tranh hết sức cam go, phức tạp diễn ra ngay trong nội bộ, giữa ta với ta. Trong cuộc đấu tranh này, không chỉ là phê bình và tự phê bình mà bằng nhiều hình thức, biện pháp từ biện pháp tổ chức cho tới biện pháp pháp luật; (3) Sự quyết tâm, ý thức trách nhiệm, dám nói, dám làm vì động cơ, mục đích rõ ràng, trong sáng, vì chế độ xã hội chủ nghĩa, vì nhân dân; (4) Thực hiện nghiêm túc “Quy định về những điều đảng viên không được làm” (Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Đảng).

Hai là, tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Trước hết là xây dựng Đảng cả về tư tưởng - chính trị và tổ chức cán bộ. Thực hiện phương châm “chống và xây”, “xây và chống”, “nói đi đôi với làm”.

Trong công tác xây dựng Đảng, tập trung  dân chủ là nguyên tắc cơ bản về tổ chức và sinh hoạt Đảng. Thực hiện dân chủ rộng rãi đi đôi với coi trọng kỷ cương, kỷ luật, đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bản vị, “địa phương chủ nghĩa” trong công tác cán bộ.

Cần tuyển chọn những cán bộ, đảng viên có đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, chuyên môn, lập trường tư tưởng - chính trị vững vàng, đạo đức, phẩm chất tốt vào bộ máy Đảng, chính quyền Nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Kiên quyết thanh lọc những cán bộ, đảng viên không có đức, không có tài, thấy sai không dám đấu tranh, thấy đúng không dám bảo vệ và thậm chí còn vi phạm kỷ luật… ra khỏi cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp. Trước hết, cần coi trọng những cán bộ, đảng viên có đức, coi trọng “đức trị”; có tài mà không có đức thì không nên bố trí vào vị trí lãnh đạo dù bất cứ ở cấp nào.

Ba là, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cốt lõi là công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Cụ thể là: bảo vệ cơ sở tư tưởng - chính trị (Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), bảo vệ chủ trương, đường lối, quan điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường “sức đề kháng” nhằm vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động phá hoại tư tưởng, thâm nhập, chuyển hóa, lũng đoạn nội bộ, tha hóa cán bộ Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch và đối tượng khác. Bảo vệ chính trị nội bộ được tiến hành bằng nhiều biện pháp công tác, song quan trọng nhất là giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao khả năng “miễn dịch” của mỗi cán bộ, đảng viên trước sự tác động chuyển hóa từ bên ngoài và bên trong. Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và kỷ luật của Đảng. Thông qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra cần được tiến hành có kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm.

Năm là, duy trì thường xuyên Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/01/2006 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng và có thể xem là một trong những giải pháp cơ bản phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, nó cần phải được tiến hành một cách nghiêm túc, thiết thực, tránh phô trương, hình thức, mất thì giờ, tốn kém công sức, tiền của của nhân dân, học phải đi đôi với hành, nói phải đi đôi với làm như Bác Hồ đã dạy.

Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, đánh giá đúng tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những nội dung sau: (1) Những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống cũng như có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; (2) Suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các ngành, các cấp, các địa phương tới mức độ nào; (3) Nguyên nhân, điều kiện dẫn tới sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong ngành mình, địa phương mình và có thể cả ở tổ chức, đơn vị mình.

Trên cơ sở đó đề ra và tiến hành các giải pháp, áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với từng cán bộ, đảng viên và cơ quan, đơn vị. Nhận diện và phòng, chống suy thoái và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một vấn đề hết sức cấp bách.

Có thể nói, đây là một cuộc đấu tranh vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và bằng những biện pháp quyết liệt, tinh thần thái độ kiên quyết, không khoan nhượng thì mới có thể đạt được kết quả như mong muốn.


                                      Thiếu tướng, GS, TS. Phạm Ngọc Hiền
                           (Nguyên Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân)
______________________
(1) Nguyễn Như Ý: Đại Từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, H. 1998, tr.407-538.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét