Trung Quốc nói "kiềm chế" nhưng vẫn ồ ạt bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông. Ảnh:CSIS |
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc luôn cố đóng vai nạn nhân ở Biển Đông, nói một đằng nhưng làm một nẻo.
Nhà phân tích Graeme Dobell của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cho rằng, với chủ đề Biển Đông, mỗi lần Bắc Kinh phát biểu thì lại là những phàn nàn về sự bất công nào đó đang áp đặt cho Trung Quốc "bất chấp quyền và lợi ích không thể chối cãi" của nước này. Ngôn từ kiểu một nạn nhân như "mọi người xúm vào để chống lại nước Trung Quốc tội nghiệp nhưng rồi Bắc Kinh sẽ vượt lên chiến thắng dù những vết thương lòng lịch sử vẫn nhức nhối."
Graem Dobell dẫn ví dụ về trường hợp đáp lại các ý kiến của Mỹ về tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, chuyên gia Trung Quốc Yanmei Xei cho rằng Bắc Kinh "không xem hành động của Hải quân Mỹ là nhằm vào việc duy trì luật pháp quốc tế. Thay vào đó, Trung Quốc cho rằng Washington chủ yếu là muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh."
Tuyên bố sáo rỗng
Một ví dụ nữa về khác biệt giữa lời nói và việc làm là Bắc Kinh luôn nhắc những điệp khúc về hòa bình, ổn định đầy hoa mỹ, bất chấp thực tế các nước trong khu vực sục sôi phản đối hành động bồi đắp, xây dựng ở các bãi đá ngầm của nước này trên Biển Đông.
Tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 5/2015, trưởng đoàn Trung Quốc là Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), phát biểu: "Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ làm việc cùng nhau trên cùng quan điểm để xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác."
Câu này đã được Graeme Dobell châm biếm diễn giải là: "Chúng tôi chắc chắc sẽ tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo. Hàng núi cát tiếp tục được hút và bồi đắp. Quý vị hãy quen dần với chuyện đó đi. Hãy chấp nhận thực tế mới và những việc đã rồi của chúng tôi."
Còn với kết luận của Đô đốc Tôn "Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các nước trên thế giới có tinh thần đôi bên cùng thắng, hợp tác để tất cả cùng thắng, sẽ củng cố đối thoại và tham vấn, có những nỗ lực kiên định để bảo vệ hòa bình và ổn định", thì Dobell cho rằng "đôi bên cùng thắng có nghĩa Bắc Kinh thắng cả hai lần, còn tất cả cùng thắng có nghĩa Bắc Kinh thắng tất."
Một học giả khác là Giáo sư Evelyn Goh, Khoa Quan hệ quốc tế của Đại học Oxford, nhận xét "với người Trung Quốc, Đối thoại Shangri-La chỉ có mục đích để nêu thực tế khó chịu là khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm toàn các đồng minh và bạn bè của Mỹ mà trong đó nhiều nước có nguồn lực lớn."
Cố tình hiểu sai
Nhà phân tích Graeme Dobell cho rằng trong các cuộc gặp song phương gần đây, cả hai bên Mỹ - Trung có nhiều điều chưa nghe nhau nói hết và dùng đầy những ẩn dụ khiến phải phỏng đoán. Đôi lúc, hai bên nói về cùng một chủ đề nhưng lại hiểu vấn đề theo những cách hoàn toàn khác nhau.
Với Trung Quốc, quan hệ trục với các nước lớn mới giữ vai trò trọng yếu vì tự coi bản thân là một nước lớn, có tầm vóc kinh tế quan trọng. Chính vì thế, Bắc Kinh hành động với giả định rằng vấn đề các đảo nhân tạo ở Biển Đông chỉ đứng hàng thứ hai hoặc thứ ba trong số các vấn đề tồn tại trong "mối quan hệ kiểu siêu cường" với Mỹ.
Trung Quốc cũng áp dụng mối quan hệ nước lớn để đổi chác lợi ích. Khi Mỹ tuyên bố không tỏ thái độ với bất kỳ bên nào đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông thì Bắc Kinh hài lòng. Nhưng khi Mỹ tỏ quan ngại về tự do hàng hải ở vùng biển này thì Bắc Kinh phản ứng rồi nhanh chóng, rồi lập tức chuyển sang nhấn mạnh các chủ đề mà họ cho là quan trọng khác.
Bắc Kinh cũng cho rằng mối quan tâm lớn nhất của Trung Quốc và Mỹ là xây dựng thành nhóm G2 (hai siêu cường). Giới phân tích cho rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ nhấn mạnh "mối quan hệ kiểu siêu cường" này trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 9 tới.
Vì không coi Biển Đông là vấn đề cốt lõi giữa hai siêu cường, nên Bắc Kinh đã không nắm bắt hết những tín hiệu khác biệt đến từ Mỹ. Theo truyền thống, Hạm đội 7 Thái Bình Dương nói riêng và Hải quân Mỹ nói chung có vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ. Đó là lý do Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương luôn là người của Hải quân Mỹ.
Đối với Hải quân Mỹ, Biển Đông thực sự là vấn đề quan trọng, có tính then chốt. Một trong những phát biểu của quan chức Hải quân Mỹ được chú ý nhất là của Đô đốc Harry Harris tại ASPI vào tháng 3/2015 về "thành lũy cát" của Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định từ quan điểm Hải quân Mỹ thể hiện về vấn đề Biển Đông có thể thấy đánh giá của Mỹ là hoàn toàn được hiểu theo nghĩa đen. Washington có thể nhận thức rõ về quan hệ kinh tế Mỹ - Trung nhưng không vì thế mà bỏ qua sự nghiêm trọng trong vấn đề Biển Đông, một lợi ích chiến lược to lớn không thua kém quan hệ với Trung Quốc.
Về vấn đề này, Dobell cho rằng Trung Quốc cần phải xem lại câu hỏi của giáo sư Nick Bisley của Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học La Trobe, Australia ,rằng "Tại sao Mỹ lại chấp nhận rủi ro trong quan hệ Mỹ - Trung để chỉ trích vấn đề đá, đá ngầm và đảo nhân tạo?"
Theo Nick, Trung Quốc đã "thực sự ngạc nhiên khi Mỹ tỏ thái độ cương quyết" trong vấn đề Biển Đông. Thực ra, đơn giản là Bắc Kinh đã không đánh giá đúng mức cách thức mà Mỹ cân bằng lợi ích và xác định lợi ích chiến lược.
Ông cũng cho rằng Bắc Kinh nên đọc lại bài phát biểu của đô đốc Harris tại ASPI. Khi đưa ra phát biểu về "thành lũy cát", Harris là tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, nhưng giờ ông đã thăng chức, thành Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương. Khi diễn giải phía bên kia đang nói gì, "điều quan trọng là cần phải nhìn nhận ai đang nói gì và họ nắm quyền lực gì để thực thi lời nói của mình", Nick gửi gắm tới Bắc Kinh.
Minh Châu (theo National Interest)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét