Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Vấn đề tự tử nhìn từ góc độ Tâm lý học

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 1.500.000 người tự tử, và tự tử đứng hàng thứ 10 trong số những nguyên nhân dẫn đến tử vong trên thế giới. Đặc biệt, đối với độ tuổi thanh thiếu niên và người lớn dưới 35 tuổi, tự tử là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Hiện tượng tự tử đã xảy ra từ thời xa xưa, và trong thời đại ngày nay, tỷ lệ tử vong do tự tử ngày càng tăng cao.
_yeuanhho.jpg

Tự tử là một hành động cố ý giết hại bản thân, cố ý cướp đi sinh mạng của chính mình. Mạng sống rất quan trọng. Tất cả mọi người đều muốn sống, đều mưu cầu hạnh phúc. Vậy thì tại sao lại có những người tự mình tìm đến cái chết, tự mình kết liễu sinh mạng của mình như thế? Tâm lý học và Phật giáo nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Liệu tâm lý học và Phật giáo có thể đưa ra những giải pháp nào hay để giải quyết cho vấn nạn này?
Quan điểm của tâm lý học về tự tử
Trong tâm lý học có nhiều quan điểm, nhiều khái niệm khác nhau về tự tử.
Theo nhà tâm lý học người Mỹ, Edwin Shneidman, tự tử là hành động tự làm tổn thương, cố ý chấm dứt sinh mạng của bản thân. Tự tử không phải là một chứng bệnh (mặc dầu có nhiều người nghĩ thế); tự tử không phải là do sự bất bình thường về mặt sinh học; nó cũng không phải là một hành động vô đạo đức, và không phải là một hành vi phạm pháp trong hầu hết các quốc gia trên thế giới (mặc dầu đã nhiều thế kỷ, ở nhiều quốc gia, người ta cho rằng tự tử là một hành vi phạm pháp)(1).
Charles Bagg, một chuyên gia tâm lý người Anh, cho rằng, tự tử là hành động cướp đi sinh mạng của bản thân một cách có chủ tâm, và hành động này có thể là hậu quả của những chứng bệnh tâm thần và cũng có thể là hậu quả của những động cơ khác nhau; những động cơ này không nhất thiết phải liên quan đến các chứng bệnh tâm thần, nhưng chúng mạnh hơn cả bản năng sinh tồn của con người(2).
Walter Hurst, nhà tâm lý học người New Zealand, cho rằng việc đưa ra quyết định tự tử thường bị thúc đẩy bởi ý muốn chấm dứt sự sống hơn là muốn chết. Tự tử là một sự lựa chọn quả quyết khi phải đối diện với một nỗi đau khổ cùng cực, dường như vượt quá mức chịu đựng của cá nhân và tự thân không thể nào giải quyết được.
Nhà tâm lý học người Ba Lan, Tadeusz Kielanowski, cho rằng tự tử là một quyết định bi thảm của một người khi họ không thấy người nào đưa tay ra giúp đỡ họ.
Trong cuốn sách Definition of Suicide (định nghĩa về tự tử) xuất bản năm 1985, Edwin Shneidman đã định nghĩa tự tử như sau: Tự tử là một hành động tự kết liễu sự sống của bản thân một cách có ý thức. Ở đấy, người ta phải đối mặt với một tình cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp và họ nhận thấy rằng tự tử là giải pháp tốt nhất để giải quyết khó khăn đó(3).
Nguyên nhân dẫn đến tự tử
Khi nghiên cứu về các tác nhân có nguy cơ cao đối với hành vi tự tử, các nhà tâm lý học đã nhận ra nhiều căn nguyên dẫn đến hành vi này.
Nhân tố quan trọng nhất và dẫn đến nguy cơ tự tử cao nhất là các chứng bệnh về tâm lý, những rối loạn tinh thần, chẳng hạn như bị bệnh tâm thần phân liệt, bị trầm cảm nặng, bị chứng rối loạn lưỡng cực (lúc thì vui đến phát cuồng, lúc thì buồn đến mức suy sụp tinh thần), bị sang chấn tâm lý mạnh (có thể là do mất đi người thân yêu nhất, do bị chối bỏ, bị hắt hủi,…).
Lạm dụng các chất kích thích là nguyên nhân phổ biến thứ hai của việc tự tử. Việc lạm dụng các chất kích thích trong thời gian ngắn cũng như trong thời gian dài đều làm nguy cơ tự tử tăng lên. Hơn 50% số người tự tử có dính líu đến việc sử dụng bia rượu và ma túy. Hơn 25% số người nghiện ma túy và nghiện rượu tự tử. Trong lứa tuổi vị thành niên, việc lạm dụng bia rượu và ma túy chiếm tỷ lệ 70% số trẻ vị thành niên tự tử(4).
Tiếp theo là những nguyên nhân do các chứng bệnh về sinh lý, như bị mắc phải các chứng bệnh nan y, bị khuyết tật hoặc bị mất khả năng vận động do tai nạn đột ngột gây ra,… Não bộ bị thương tổn, hoạt động kém hiệu quả ở một vài chức năng nào đó cũng dễ dẫn đến việc tự tử. Những thương tổn sinh lý này gây ra thiểu năng trong quá trình nhận thức và ảnh hưởng đến các hoạt động sống, các quan hệ xã hội của người bệnh, chúng tác động ngược trở lại với xúc cảm, tình cảm, tâm trạng,… của người bệnh, khiến cho nguy cơ tự tử của người bệnh tăng cao.
Và cuối cùng là những tác nhân thuộc về môi trường xã hội. Qua các nghiên cứu và thống kê cho thấy, có những trường hợp tự tử xảy ra do những tác nhân, những sự kiện bên ngoài, những ảnh hưởng từ phía xã hội, chẳng hạn như bị người yêu chối bỏ, bị thầy cô giáo phạt, bị bạn bè trêu chọc, bị quấy rối, bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng hiếp, bị cha mẹ trách mắng, bị mất cha hay mẹ, cha mẹ ly hôn, bị mất việc, bị sạt nghiệp, bị vỡ nợ, bị phản bội,… Đôi khi nhiều thanh thiếu niên tử tử vì một nguyên nhân rất lạ đời, như thần tượng của họ (ngôi sao ca nhạc, ngôi sao điện ảnh, người mẫu thời trang,…) bị chết hoặc tự tử, dẫn đến việc họ quyết định chết theo.
Biện pháp ngăn ngừa sự tự tử
Với những quan điểm, luận thuyết và những kết quả nghiên cứu về vấn đề tự tử như thế, các nhà tâm lý học đã đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa sự tự tử trong xã hội, cụ thể như sau:
- Tuyển chọn và đào tạo các nhóm tình nguyện viên để phục vụ việc tư vấn các vấn đề liên quan đến tính riêng tư của cá nhân.
- Nâng cao khả năng phục hồi tinh thần thông qua cách tư duy tích cực và các mối quan hệ xã hội.
- Giáo dục về sự tự tử, bao gồm cả những tác nhân có nguy cơ, những dấu hiệu cảnh báo, và khả năng sẵn sàng hỗ trợ.
- Nâng cao hiệu quả của các dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên viên y tế và thành lập các trung tâm tư vấn cho những người bị khủng hoảng.
- Hạn chế vấn đề bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội. Hạn chế việc lạm dụng các chất kích thích để giảm bớt những vấn đề rắc rối về sức khỏe tinh thần.
- Hạn chế khả năng tiếp cận dễ dàng đối với những phương tiện dùng để tự tử.
- Can thiệp trực tiếp đến những nhóm đối tượng có nguy cơ tự tử cao.
Bên cạnh đó, đứng về phương diện chuyên môn, các chuyên gia tâm lý còn áp dụng các liệu pháp tâm lý để hỗ trợ nhằm ngăn ngừa, hạn chế tự tử. Cụ thể là sử dụng Liệu pháp tâm lý nhóm, thông qua đó các chuyên gia tâm lý giúp cho những người có ý muốn tự tử có được những kỹ năng sống cơ bản trong đời sống hàng ngày, như giúp cho người có nguy cơ tự tử nhận thức được những quyền cá nhân cơ bản của họ, hình thành cho họ những kỹ năng xoa dịu các xúc cảm, thiết lập những ranh giới trong các mối quan hệ xã hội, tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh, và hình thành những kỹ năng giải quyết các vấn đề khó khăn của cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét