Mấy năm nay, ở khu vực Tây Nguyên, nhất là hai tỉnh Kom Tum và Gia Lai
rộ lên một hiện tượng tôn giáo với các tên gọi khác nhau: "tà đạo Hà
Mòn", "hiện tượng Hà Mòn" "đạo Gyin", "đạo Hà
Mòn", "Công giáo Đề ga"... Bài viết này xin được cung cấp một số
thông tin cũng như có những nhận xét, đánh giá bước đầu về vấn đề này. Xin được
tạm sử dụng thuật ngữ "hiện tượng Hà Mòn" cho bài viết.
Hà Mòn là tên một xã thuộc huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum, từ năm
1999 Hà Mòn còn được biết đến nhiều hơn với một "hiện tượng tôn giáo
mới" ra đời ở đây mà người ta gọi là “tà đạo Hà Mòn”, “đạo Gyin”...
"hiện tượng Hà Mòn" ra đời do bà Y Gyin, sinh năm 1942 dân tộc Ba na
Rơngao là tín đồ Công giáo nhưng làm nghề thầy cúng, tâm trí không bình thường.
Trước năm 2007 bà Y Gyin thường trú tại thôn Kơ Tu xã Hà Mòn, huyện Đak Hà,
tỉnh Kon Tum, sau năm 2007 bà chuyến đến ở làng Kơ Tu, xã Hơ Moong, huyện Sa
Thầy, tỉnh Kon Tum, hiện đã đi khỏi địa phương. Bà Y Gyin nói đã nhìn thấy “Đức
mẹ Maria hiện hình” trên nóc nhà vào 12 giờ khuya ngày 20/12/1999. Lợi dụng
tình hình đó một số người dân tộc thiểu số theo Công giáo ở Hà Mòn thêu dệt,
phao tin cho rằng bà Y Gyin được Đức mẹ nhập vào để sáng lập ra một tôn giáo
mới và tuyên truyền nội dung như: Ai theo Đức mẹ thì mọi nợ nần về vật chất và
tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh;
người đã theo thì không được bỏ, nếu bỏ đạo gia đình sẽ ly tán; "Hà
Mòn" mới là “tôn giáo riêng” của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ban
đầu người theo "hiện tượng Hà Mòn" là một bộ phận tín đồ đạo Công
giáo và chủ yếu là phụ nữ người dân tộc thiểu số, sau đó lan truyền và thu hút
khá đông người đi theo.
Dựa vào Kinh thánh, giáo lý, giáo
luật và các tín điều của Đạo Công giáo, những người đứng đầu "hiện tượng
Hà Mòn" đã sao trích, tự biên soạn ra các tài liệu như: “Thông điệp Đức mẹ
hiện hình” hay “Sứ điệp Đức mẹ Maria” được sử dụng như là “giáo lý” của “hiện
tượng Hà Mòn”. Hoạt động chia thành nhiều nhóm nhỏ và sinh hoạt tại nhà riêng
của "nhóm trưởng", không đến nhà thờ, nhà nguyện, không nghe linh mục
làm lễ; trưởng nhóm thường là người am hiểu kinh kệ, giảng kinh và thực hiện
các bí tích rửa tội, hôn phối. Cách thức hành lễ của hiện tượng này cũng bắt
chước nghi thức của đạo Công giáo như “cầu nguyện, dâng hoa Đức Mẹ”, nhưng khi
cầu nguyện thì ghi những lời răn của Chúa ra giấy đọc xong đốt lấy nước uống và
thực hiện vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.
Với những điều hứa hẹn nhảm nhí
"Hà Mòn" đã thu hút được khá đông người dân trong vùng theo và lan ra
các tỉnh khác. Đến nay số người theo Hà Mòn trên 3.500 người thuộc hai dân tộc
Ba na và Sê đăng ở 34 thôn, làng của 17 xã thuộc 11 huyện trên địa bàn 3 tỉnh
Kon Tum, Gia Lai và Đaklak.
Với sự nhảm nhí trong tín điều và bị
lợi dụng ngay từ khi mới ra đời nên "hiện tượng Hà Mòn" đã đem
lại hậu quả không tốt:
Ảnh hưởng trực tiếp đến đời
sống nhân dân: Đó việc người dân bỏ bê lao động sản xuất, nộp tiền cho các đối
tượng cầm đầu "Hà Mòn", ảnh hưởng đến đời sống kinh tế vốn đã rất khó
khăn của đồng bào dân tộc thiếu số. Các cháu học sinh là con em gia đình theo
"hiện tượng Hà Mòn" bỏ học nhiều, ảnh hưởng đến việc học của các
cháu, đến việc giáo dục chung của các trường ở khu vực miền núi và ảnh hưởng
đến nhận thức của người dân tộc vốn ít coi trọng sự nghiệp học tập của con em
(tại xã Ea Yiêng huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk cuối tháng 4/2012 có 113 học
sinh các cấp bỏ học). Việc tin chữa bệnh bằng cầu nguyện, những điều nhảm nhí
thay bằng đến các cơ sở y tế đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; ảnh
hưởng đến nhận thức trở lại của người dân tộc về việc chữa bệnh bằng cầu cúng,
bùa ngải.
Hoạt động của "hiện tượng
Hà Mòn" đã vi phạm pháp luật về tôn giáo, là một tổ chức không được Nhà
nước công nhận, nhưng vẫn hoạt động: xúi dục, cưỡng ép người dân theo; xúi dục
tín đồ Công giáo bỏ đạo; tụ tập đông người để hành lễ...
Ảnh hưởng đến an ninh, trật tự
của cả khu vực: Trong quá trình hoạt động "Hà Mòn" đã bị bọn Fulro
lợi dụng, móc nối với những phần tử đứng đầu các nhóm, lập ra bộ khung Hà Mòn
Tây Nguyên và phân công người phát triển "điểm nhóm Hà Mòn". Tuyên
truyền gây chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc trong khu vực, giữa tín đồ Công
giáo và người theo “hiện tượng Hà Mòn”; những người đi theo tự nhận là “Công
giáo Đêga”, tập hợp lực lượng gây mất ổn định về an ninh ở một số địa bàn. Mục
đích của bọn Fulro là phát triển, nhân rộng “Hà Mòn” để nhà nước phải công nhận
là "tôn giáo riêng" và tiếp tục lợi dụng tôn giáo này vào mục đích
phản động.
"Hà Mòn" ra đời cũng
giống như các hiện tượng tôn giáo mới, tôn giáo lạ ở Việt Nam,
ra đời trong bối cảnh đời sống kinh tế, xã hội, tôn giáo khu vực Tây Nguyên có
nhiều thay đổi: Hoạt động tôn giáo cởi mở, đời sống người dân còn nghèo và cũng
bị xáo trộn, ảnh hưởng bởi một số công trình đang đầu tư xây dựng, phân hóa
giầu nghèo ngày càng cao. Khu vực Tây Nguyên là nơi tập trung nhiều tín ngưỡng
dân gian; hoạt động của các phần tử cực đoan, Fulro... là cơ sở quan trọng của
sự ra đời và phát triển "hiện tượng Hà Mòn".
Cũng giống như các loại hình
tôn giáo mới, "Hà Mòn" ra đời tập trung trong vùng dân tộc thiểu số
như: Sê Đăng, Ba na, (cùng nhóm ngôn ngữ, ở vùng khó khăn); điểm xuất phát từ
một người rồi lan ra trong cộng đồng, từ một điểm rồi lan sang các khu vực
khác, từ hiện tượng thần bí thành hiện tượng tôn giáo.
"Hà Mòn" ra đời từ
đạo Công giáo nhưng lại biến tướng thành một thứ tôn giáo mang màu sắc dị đoan,
mê tín thể hiện: người sáng lập, điều hành và đối tượng theo chủ yếu là tín đồ
đạo Công giáo; nội dung tuyên truyền được lấy từ Kinh thánh, giáo lý, giáo luật
và những tín điều Công giáo (phần nói về Đức mẹ Maria) nhưng biên soạn lại với
những điều mê tín, lừa mị. Cũng như việc thực hiện nghi lễ đơn giản theo nhóm,
không cần nhà thờ, linh mục làm lễ. Điều đó đã phản ánh người dân tộc thiếu số
Tây Nguyên đang hướng tới việc đơn giản hóa hoạt động Công giáo cho phù hợp với
hoàn cảnh riêng.
"Hà Mòn" là hiện
tượng mang nặng tính dị đoan, mê tín, ra đời tại Tây Nguyên lại là nơi mà tàn
dư của bọn Fulro hoạt động nên rất dễ bị lợi dụng vào các hoạt động vi phạm
pháp luật, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, làm băng hoại các giá trị
văn hóa, tín ngưỡng truyền thống và tôn giáo thuần túy của các dân tộc thiểu số
ở Tây Nguyên; bị lợi dụng vào mục đích chính trị khi bọn Furlo lợi dụng để dựng
lên cái gọi là "Công giáo Đề ga" hay "Thiên Chúa giáo Đề
ga" để tập hợp lực lượng, tuyên truyền hoạt động ly khai, tự trị của
Ksokok và đồng bọn chống phá Nhà nước.
"Hiện tượng Hà Mòn" ở Tây
Nguyên không chỉ ở là vấn đề “mê tín dị đoan, tà đạo” mà là vấn đề mang tính xã
hội. Do đó, giải quyết vấn đề "Hà Mòn" cần đặt trong tổng thể các vấn
đề mang tính vĩ mô của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và những địa
phương mà "hiện tượng Hà Mòn" đang hoạt động nói riêng. Đó là giải
quyết các vấn đề về đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa và nhận thức của đồng
bào dân tộc, cụ thể tập trung một số nhóm giải pháp cơ bản sau:
- Giải pháp tuyên truyền: Làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; cần đổi mới, mở rộng cả về nội dung và đối tượng
tuyên truyền (chú trọng già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào
dân tộc). Cần nghiên cứu kỹ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và đời sống kinh tế
của đồng bào theo "hiện tượng Hà Mòn" ở từng địa phương để có nội
dung tuyên truyền đúng theo các chính sách về tôn giáo, về phát triển kinh tế,
xã hội cho phù hợp, đạt hiệu quả thiết thực.
- Giải pháp về phát triển kinh tế: Thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước về các
chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực này. Cần quan tâm và đầu tư
về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất đảm đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc
thiểu số. Đầu tư, phát triển về văn hóa giáo dục, y tế, an sinh xã hội và cung
ứng dịch vụ công cho khu vực này, để người dân nơi đây được thừa hưởng sự quan
tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
- Giải pháp dân tộc: Cần
có chính sách về bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị và hoạt động văn hóa,
tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống; làm nơi giải trí và sinh hoạt cộng đồng cho
đồng bào dân tộc. Tránh để đồng bào không có nơi sinh hoạt và bị lôi kéo theo
các hiện tượng tôn giáo mới.
Sử dụng người già, người có uy tín
trong các dân tộc thiếu số như Ba na, Sê đăng đến các buôn làng để vận động bà
con bỏ "hiện tượng Hà Mòn", chăm lo cuộc sống và đưa tín ngưỡng
truyền thống tốt đẹp đã được lựa chọn trở lại với những người theo " hiện
tượng Hà Mòn". Sử dụng sách báo tiếng dân tộc phải có nội dung tuyên truyền
dễ hiểu, đài truyền thanh, truyền hình phải có nội dung thiết thực, nhất là đưa
những người già, người có uy tín lên đài tiếng nói, đài truyền hình khuyên bảo
bà con vùng theo " hiện tượng Hà Mòn".
- Giải pháp về tôn giáo: " hiện tượng Hà Mòn"
là một hiện tượng tôn giáo, đồng thời lại xuất phát từ đạo Công giáo và đang
lôi kéo tín đồ Công giáo bỏ đạo, do đó giải pháp về tôn giáo ở khu vực này cần
được coi trọng. Các địa phương cần đánh giá lại tình hình tôn giáo và sinh hoạt
tôn giáo ở đây, những thuận lợi và khó khăn, tìm hiểu nguyện vọng tôn giáo của
đồng bào dân tộc thiểu số để làm căn cứ tham mưu cho UBND một số tỉnh Tây
Nguyên tỉnh giải quyết “sớm” nhu cầu chính đáng của bà con. Tránh để những nhu
cầu tôn giáo thuần túy chậm được giải quyết, gây bức xúc cho tín đồ và chức sắc.
Tuyên truyền cho nhân dân và những người theo Hà Mòn hiểu rõ tác hại của hiện
tượng này, cũng như bản chất thâm độc của các phần tử Fulro lợi dụng Hà Mòn
nhằm đẩy người dân vào các hoạt động vi phạm pháp luật để họ bỏ " hiện
tượng Hà Mòn" chăm lo làm ăn. Động viên giúp đỡ, hướng dẫn những người bỏ
" hiện tượng Hà Mòn" quay về để họ không tự ti mặc cảm và tổ chức lại
cuộc sống. Những hoạt động vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân lợi dụng “hiện
tượng Hà Mòn” cần xứ lý nghiêm và dứt điểm./. (http://btgcp.gov.vn/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét