(TG)-Đội ngũ giảng viên trẻ ở các học viện, trường đại học trong
quân đội hiện nay là lực lượng kế cận, nguồn lực quan trọng để tiếp tục thực
hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận của Quân đội. Do vậy, cần phải coi
trọng việc bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho họ nhằm đáp ứng
nhiệm vụ của Quân đội trong thời kỳ mới .
Hiện nay, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa
bình” chống phá cách mạng nước ta trên các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tư
tưởng, lý luận là hướng “đột phá”, nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về tư
tưởng, tạo ra những ‘khoảng trống” về ý thức hệ để dần dần đưa hệ tư tưởng tư
sản thâm nhập vào cán bộ, đảng viên, nhân dân, xoá bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ
nghĩa, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta. Trước tình
hình này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ “Kiên quyết
đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế
lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Giữ
gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội.” ;
Nằm trong hệ thống giáo dục đào tạo của quốc gia, các học viện,
trường đại học trong quân đội ngoài nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu
khoa học, còn có nhiệm vụ rất quan trọng là tham gia đấu tranh trên mặt trận tư
tưởng, lý luận. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX khẳng
định: “Tăng cường đấu tranh trên lĩnh vực lý luận, chính trị, tư tưởng, bảo vệ
đường lối, quan điểm của Đảng, chính, sách luật pháp của Nhà nước... Nâng cao
chất lượng hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thường xuyên nắm chắc
diễn biến tình hình, chủ động dự báo, phát hiện và đấu tranh, phòng, chống có
hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến” của các
thế lực thù địch” . Để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi đội ngũ giảng viên
nói chung, trong đó có giảng viên trẻ ở các học viện, trường đại học trong quân
đội phải không ngừng nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận của mình.
Hơn nữa, trong tương lai giảng viên trẻ sẽ là lực lượng kế cận, nguồn lực quan
trọng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận của Quân đội.
Do vậy, trước những yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội tham gia đấu tranh trên mặt
trận tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, các học viện, trường đại học trong
quân đội cần phải đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng,
lý luận cho giảng viên trẻ với một số biện pháp chủ yếu sau:
1. Cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các học
viện, trường đại học trong quân đội nâng cao trách nhiệm bồi dưỡng năng lực đấu
tranh tư tưởng, lý luận cho giảng viên trẻ.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các học viện, trường đại học trong quân
đội cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm nghị quyết lãnh đạo của Đảng,
Quân ủy Trung ương, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị,
nghị quyết của Đảng ủy tại mỗi học viện, trường đại học trong quân đội, hướng
dẫn của các cơ quan chức năng về hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa
học và công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới. Tiếp tục quán triệt tinh
thần nghị quyết Nghị quyết TW5 (khoá X) về "Những vấn đề tư tưởng, lý luận
và báo chí trong tình hình mới”; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Nghị quyết số
86, 93, 94, 769 của Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh công tác giáo dục đào tạo,
nghiên cứu khoa học trong các học viện, trường đại học trong quân đội và xây
dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong tình hình mới.
Cấp uỷ các cấp phải tìm ra mắt xích chủ yếu, khâu đột phá để có
chủ trương, biện pháp giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu đối với việc thực
hiện nhiệm vụ này, phân công cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân
đảng viên trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết. Các khoa giáo viên cần quán triệt
nghiêm túc nghị quyết của cấp ủy cấp trên về công tác tư tưởng lý luận trong
tình hình mới, về bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, giảng viên trẻ, chỉ
đạo giảng viên trong khoa kết hợp chặt chẽ giữa truyền thụ kiến thức,
kinh nghiệm với bồi dưỡng, xây dựng động cơ đúng đắn, gợi mở, định hướng nội
dung giảng dạy, nghiên cứu và đấu tranh tư tưởng, lý luận cho giảng viên trẻ.
Các cơ quan tại các học viện, nhà trường cần có sự liên hệ chặt
chẽ trong việc tham mưu cho đảng uỷ, Ban giám đốc, (Ban giám hiệu) đề ra các
chủ trương, biện pháp lãnh đạo việc bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý
luận cho giảng viên trẻ. Hướng mọi nỗ lực vào việc nâng cao nhận thức, trình độ
lý luận, năng lực trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng,
lý luận, xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm cho giảng viên trẻ, tạo họ sự
mạnh dạn, tự tin khi tham gia các hoạt động trên mặt trận đấu tranh tư tưởng,
lý luận.
2. Đổi mới nội dung, hình thức, biện
pháp bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho giảng viên trẻ.
Về đổi mới nội dung, cần tập trung vào bồi dưỡng tri thức toàn
diện, trong đó chú trọng bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, quan điểm đường lối chính trị, quân sự của Đảng, mục tiêu, lý tưởng
chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ của quân đội cho giảng viên trẻ; bồi dưỡng nâng
cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho giảng viên trẻ.
Về đổi mới hình thức, biện pháp, cần sử dụng linh hoạt, phong phú
các hình thức, biện pháp trong bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận
cho giảng viên trẻ như: Thông qua chương trình, kế hoạch, nội dung giảng dạy,
qua hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm khoa học, qua tập huấn,
sinh hoạt học tập chính trị, quân sự, thông qua viết báo đấu tranh tư tưởng, lý
luận. Xây dựng đội ngũ giảng viên, chuyên gia đầu ngành chất lượng cao, có đạo
đức và uy tín nghề nghiệp, coi đó là lực lượng nòng cốt trong giảng dạy, nghiên
cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng, lý luận và bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư
tưởng, lý luận cho giảng viên trẻ. Tiêp tục nghiên cứu đề xuất các hình thức
đấu tranh tư tưởng, lý luận mới, hiệu quả như cho lập các blogger, lập ra các
loại hình câu lạc bộ như “câu lạc bộ những cây viết trẻ”, “Chi đoàn viết báo”.
Lập kế hoạch, giao chỉ tiêu viết báo, chuyên đề, bài hội thảo, hoặc thông tin
chuyên ngành cho giảng viên trẻ về đấu tranh tư tưởng, lý luận, gắn việc bình
xét khen thưởng, phân loại chất lượng cán bộ, đảng viên hàng năm với việc thực
hiện kế hoạch chỉ tiêu viết bài đấu tranh tư tưởng, lý luận hàng tháng, quý và
cả năm.
3. Phát huy tính tích cực, chủ động
của giảng viên trẻ trong tự bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận.
Để phát huy tính tích cực, chủ động của giảng viên trẻ, cần chú
trọng việc giáo dục, xây dựng động cơ, thái độ, ý thức trách nhiệm của giảng
viên trẻ trong tự bồi dưỡng nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận. Bằng
các hình thức như: thông qua sinh hoạt đảng, giao ban hội ý, hoặc hội nghị
chuyên đề, qua công tác thi đua, khen thưởng để giáo dục, quán triệt, nâng cao
nhận thức, ý thức trách nhiệm, ý chí quyết tâm của cán bộ nghiên cứu trong tự
học tập, tu dưỡng hoàn thiện bản thân về mọi mặt nhất là năng lực đấu tranh tư
tưởng, lý luận trong các hoạt động khoa học.
Lãnh đạo, chỉ huy các khoa giáo viên phải căn cứ vào trình độ kiến
thức, kỹ năng, khả năng, sở trường, kinh nghiệm đấu tranh tư tưởng, lý luận của
từng giảng viên trẻ để định hướng, hướng dẫn xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng,
tập trung vào tự bồi dưỡng nâng cao khả năng tư duy lý luận, khả năng phân tích
đánh giá thực tiễn, khái quát chỉ ra bản chất của từng sự kiện, hiện tượng
trong đời sống chính trị, tinh thần, tư tưởng của xã hội, quân đội, nắm chắc
những âm mưu mới, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch đang chống phá cách
mạng nước ta hiện nay. Đặc biệt là, lãnh đạo, chỉ huy các khoa giáo viên cần
hướng cho giảng viên trẻ tự học tập phương pháp viết bài, viết báo đấu tranh tư
tưởng, lý luận trên các diễn đàn, hội thảo, các phương tiện thông tin đại
chúng, khả năng đấu tranh tư tưởng, lý luận trong giảng dạy và nghiên cứu khoa
học, khả năng trình bày quan điểm đấu tranh tư tưởng, lý luận trong sinh hoạt
và học tập.
4. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính
sách, các điều kiện bảo đảm và xây dựng môi trường thuận lợi để giảng viên trẻ
tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận.
Chế độ, chính sách chi phối mạnh mẽ đến việc thúc đẩy giảng viên
trẻ trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng, lý luận. Để
hoàn thiện cơ chế, chính sách cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy chế,
quy định về đấu tranh tư tưởng, lý luận của Quân đội và của các học viện,
trường đại học trong quân đội. Xây dựng và hoàn thiện các quy chế về khai thác,
quản lý và cung cấp thông tin trong đấu tranh tư tưởng, lý luận. Xây dựng các
cơ chế quản lý và sử dụng các tài liệu, phương tiện, trong thực hiện nhiệm vụ
đấu tranh tư tưởng, lý luận.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ khoa học, giảng viên trẻ làm lực lượng nòng cốt, kế cận trong đấu tranh trên
mặt trận tư tưởng, lý luận. Tăng cường đầu tư và trang bị cơ sở vật chất, kỹ
thuật theo hướng hiện đại, đảm bảo cho các học viện, trường đại học trong quân
đội tham gia đấu tranh kịp thời và có hiệu quả trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và phương tiện dạy học cần thiết
như: nhà ở, phòng làm việc, máy tính, Internet, bàn ghế, giấy bút, đèn chiếu,
máy trình chiếu... để giảng viên trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ và củng cố, rèn
luyện, phát triển năng lực chuyên môn, phát triển năng lực đấu tranh tư tưởng
lý luận. Không ngừng nâng cao uy tín và vị thế của mỗi học viện, trường đại học
trong quân đội cả về giáo dục đào tạo - nghiên cứu khoa học và đấu tranh trên
mặt trận tư tưởng, lý luận.
Thông qua đó, nâng cao vị thế xã hội của giảng viên nói chung,
giảng viên trẻ nói riêng, theo đó tạo cho mỗi giảng viên trẻ niềm vinh dự lớn
lao, lòng tự hào được cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho nhiệm vụ vẻ
vang của nhà trường và quân đội./.
Lê Văn Dũng -Viện Khoa học
Xã hội Nhân văn Quân Sự (http://www.tuyengiao.vn/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét