Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

CẦN NHẬN DIỆN VÀ XỬ LÝ CÁC TIN ĐỒN ĐẦU ĐỘC DƯ LUẬN

Với nhiều ưu thế, internet đã trở thành phương tiện quan trọng giúp con người thể hiện tính tích cực xã hội. Song với mưu đồ xấu, một số tổ chức, cá nhân đã sử dụng internet để tung tin đồn và bình luận tiêu cực gây hoang mang dư luận và nhiễu loạn niềm tin xã hội.

Thời gian gần đây, việc bịa đặt, tung tin đồn trên internet gây hoang mang trong dư luận không còn là hiện tượng đơn lẻ, mà có nguy cơ lan rộng. Có thể điểm qua vài sự kiện: tháng 6/2017, Nguyễn Thị N tung lên facebook tin giả bắt cóc trẻ em; tháng 7/2017, Phạm Thị Mùi đăng lên facebook tin: “Mưa to quá, máy bay rơi luôn” kèm theo năm ảnh máy bay rơi với chú thích vụ việc xảy ra tại sân bay quốc tế Nội Bài;…

Đáng chú ý là tin đồn trên mạng xã hội không chỉ liên quan đến động cơ thiếu lành mạnh trong cạnh tranh kinh doanh, gây chú ý bằng bịa tin giật gân, kiếm lời từ hoạt động quảng cáo, bôi nhọ uy tín và danh dự của người khác, trả thù đối tượng thù ghét, tăng số người truy cập để khoe khoang,… thời gian qua, nhiều tin đồn nhằm phục vụ âm mưu của các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam. Mục đích đen tối của họ là bằng thủ đoạn bịa đặt, vu cáo, vu khống nhằm vào uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam,… gây hoang mang trong tâm lý xã hội, tác động tiêu cực đến niềm tin của công chúng đối với chế độ, hòng đẩy tới sự rối loạn, bất ổn về kinh tế, văn hóa, từ đó gây bất ổn về chính trị.

Tuy nhiên với kẻ xấu, tung tin đồn mới chỉ là một mặt của vấn đề, điều chúng muốn là tìm mọi cách để tin đồn có thể “in dấu” vào nhận thức của người tiếp cận. Để làm điều này, các đối tượng cố gắng tạo ra hiệu ứng tin cậy trong người đọc, với thủ đoạn phổ biến là tin đồn thường kèm theo sự bảo đảm như “một nhân vật quan trọng giấu tên cho biết”, “một nguồn tin khả tín nói rằng”, “một văn bản không được phổ biến cho hay”,… Đồng thời, phổ biến tin đồn trên không gian mạng, cố gắng “giải mã” theo lối bịp bợm, phóng đại tin đồn theo thuyết âm mưu, liên kết một số sự kiện ngẫu nhiên,… bịa chuyện “đấu đá nội bộ”, “phe này, phe kia”, dựng ra tình huống giả tạo, giật gân, ly kỳ,… nhằm tác động tới sự tò mò của người tiếp cận, từ đó biến tin đồn thành “tin thật”, biến không thành có, biến tin đồn thành một thứ “hoang tin có lý” gây nghi ngờ, hoang mang, đầu độc dư luận.

Vì vậy, chúng ta cần chủ động ứng phó tin đồn trên mạng, trong đó các cơ quan có trách nhiệm cần cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời để tin đồn, tin sai sự thật không có cơ hội lan rộng tác động xấu đến xã hội. Phải chủ động tuyên truyền để mỗi người dân luôn tin tưởng vào thông tin chính thống, đồng thời tạo điều kiện để mỗi người nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác, có tinh thần trách nhiệm, tỉnh táo và sự sàng lọc khi tiếp cận tin đồn, không biến bản thân thành nơi chuyển tiếp, lưu giữ, truyền bá tin đồn. Thiết nghĩ, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần xử lý thật nghiêm khắc mọi hành vi xâm phạm, góp phần củng cố niềm tin xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét