Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo - chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta

Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta được xây dựng một mặt dựa trên quan điểm cơ bản của học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác căn cứ vào đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
            Việt Nam là một nước đa tín ngưỡng, tôn giáo với khoảng hơn 20 triệu tín đồ theo các tôn giáo khác nhau. Từ xưa đến nay, các tín ngưỡng, tôn giáo luôn chung sống hoà hợp, gắn bó với dân tộc. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, các dân tộc đã kề vai, đoàn kết bên nhau đấu tranh giành độc lập dân tộc, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cả 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã hình thành một truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa, đó là xây dựng cuộc sống đan xen, hoà bình, trong đó mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán và văn hoá khác nhau góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Việt Nam.
          Đảng và Nhà nước ta hiểu rõ nhu cầu tâm linh của nhân dân Việt Nam bởi lẽ, hầu hết nhân dân Việt Nam không những có tín ngưỡng truyền thống thờ cúng tổ tiên, thờ các vị thành hoàng, những vị đã có công xây dựng quê hương, đất nước…mà không ít người là tín đồ các tôn giáo. Bản tính của người Việt Nam là khoan dung, cởi mở. Do vậy, dù là tôn giáo nào, tín ngưỡng nào, từ đâu đến thì cộng đồng cũng sẵn sàng chấp nhận miễn là nó không xâm phạm đến lợi ích quốc gia và đi ngược lại truyền thống văn hoá dân tộc.
          Nhờ có chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn và được bổ sung theo sự phát triển của xã hội nên quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn luôn được mở rộng và đảm bảo. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng trên cơ sở kế thừa Sắc lệnh 234/SL và được đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn qua nhiều giai đoạn cách mạng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Những quy định cụ thể trong Pháp lệnh cũng như trong Nghị định 22/2005/NĐ-CP, ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều trong Pháp lệnh, một mặt tạo cơ sở pháp lý đảm bảo cho mọi công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định rõ ràng hơn, thông thoáng hơn và cởi mở hơn. Công dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; được bày tỏ đức tin của mình; được thực hiện các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt tôn giáo, học tập giáo lý, đạo đức tôn giáo. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở vật chất, tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, điện, đền, trụ sở của tổ chức tôn giáo, trường lớp tôn giáo; kinh bổn và các đồ dùng thờ cúng của tín ngưỡng, tôn giáo.
          Thiết nghĩ không cần nói thêm nhiều mà có thể khẳng định rằng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo là tư tưởng cơ bản của Đảng và Nhà nước ta thể hiện quan điểm trước sau như một: tín ngưỡng hay không tín ngưỡng là sự lựa chọn tự do của con người, bởi vì tôn giáo là niềm tin và tồn tại như một nhu cầu tinh thần của quần chúng. Thái độ của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề tự do tôn giáo luôn luôn rõ ràng và phân minh. Một mặt Đảng và Nhà nước ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác lại nghiêm cấm việc kỳ thị hoặc xúc phạm người có tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời cũng nghiêm cấm việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đến trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự của công dân hoặc trái với thuần phong mỹ tục.
          Thực tế, những chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo không phải chỉ được khẳng định ở Hiến pháp, pháp luật hay trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng mà được thể hiện sống động trong cuộc sống hàng ngày. Cho đến nay, Nhà nước ta đã công nhận tư cách pháp nhân cho 32 tổ chức tôn giáo và sẽ tiếp tục xem xét theo quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng ta có thể khẳng định rằng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang diễn ra bình thường ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Cả nước có khoảng 70.000 chức sắc, nhà tu hành, chưa kể hàng vạn người hoạt động bán chuyên nghiệp của các tổ chức tôn giáo, Việc đào tạo chức sắc của các tôn giáo tiếp tục được quan tâm. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có 4 Học viện Phật giáo; 30 Trường Trung cấp Phật học và 4 Trường Cao đẳng Phật học. Giáo hội Công giáo có 6 Đại chủng viện và 2 cơ sở. Viện thánh kinh thần học của Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam)… để đào tạo chức sắc phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Các tôn giáo hiện có hàng trăm người đang theo học thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước trên thế giới. Cả nước hiện có hơn 24.000 cơ sở thờ tự, trong đó có nhiều cơ sở được xây dựng mới, xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ. Đó là bằng chứng hùng hồn về đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta vì cuộc sống tinh thần của hàng triệu tín đồ các tôn giáo là những công dân của Việt Nam. Chính vì vậy, các tổ chức tôn giáo, chức sắc và tín đồ đã thể hiện sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, yên tâm sinh hoạt tôn giáo và cùng nhau hưởng cuộc sống thanh bình, trên một đất nước ổn định về chính trị; cùng nhau đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.  (ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét