Đa số các nước ASEAN đã cứng rắn hơn trong đối phó với âm mưu chia rẽ của Trung Quốc. Ảnh: SHUTTER STOCK
(PLO)- Dù thành công trong việc chia rẽ ASEAN một lần nữa, Trung Quốc đã thất bại trong chiến thuật lớn hơn về biển Đông.
Hội nghị đặc biệt bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc vừa kết thúc tại Vân Nam (Trung Quốc) ngày 12-6. Tuyên bố chung của ASEAN nêu lo ngại về biển Đông đã bị rút lại sau khi công bố, một tình huống khá tương tự điều đã từng xảy ra ở Campuchia năm 2012.
Tạp chí Diplomat (Nhật) nhận định nhìn bề ngoài đây có vẻ là một thất bại nữa của ASEAN và đằng sau diễn biến này của ASEAN có bàn tay của Trung Quốc. Hay nói cách khác nhìn bề ngoài Trung Quốc đã một lần nữa thành công trong việc ngăn chặn ASEAN ra tuyên bố chung về biển Đông cũng như trong chiến thuật chia rẽ và chế ngự ASEAN.
Tuy nhiên, phân tích những lời lẽ mà Trung Quốc mong muốn sẽ có trong tuyên bố chung cũng như các phản ứng của ASEAN theo tư cách cả khối cũng như riêng từng nước sau hội nghị, Diplomat nhận định dù thành công trong việc chia rẽ ASEAN một lần nữa nhưng Trung Quốc đã thất bại trong chiến thuật lớn hơn về biển Đông.
Từ những gì các quan chức Trung Quốc vẫn thường đề cập trước đây và trước hội nghị, Diplomat nhận định Trung Quốc muốn những lời lẽ đưa ra sau hội nghị chú trọng vào ba điểm chính:
Thứ nhất, Trung Quốc và các nước ASEAN có khả năng giải quyết các bất đồng về biển Đông mà không có sự can thiệp từ bên ngoài - tính luôn cả phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc.
Thứ hai, ASEAN và Trung Quốc không nên để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai bên, trong thời điểm hai bên sắp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ.
Thứ ba và cuối cùng, biển Đông không phải là một vấn đề trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc mà chỉ là vấn đề song phương giữa Trung Quốc với bốn nước ASEAN cùng tranh chấp.
Tuy nhiên theo Diplomat, Trung Quốc đã thất bại trong việc đưa ba điểm trên vào tuyên bố mà mình mong muốn khi ngăn chặn thành công ASEAN ra tuyên bố chung.
Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu thứ nhất - hai bên có khả năng giải quyết các bất đồng về biển Đông mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Hội nghị ở Vân Nam là bằng chứng rõ nhất cho thấy ASEAN và Trung Quốc không thể tự thân giải quyết thành công vấn đề biển Đông một khi Trung Quốc cứ tiếp tục cố tình làm xói mòn sự thống nhất của ASEAN. Khi Trung Quốc tiếp tục ngăn chặn ASEAN đạt được một quan điểm chung về điều này cũng như tìm cách trừng phạt các nước ASEAN cố gắng tìm kiếm cách giải quyết bất đồng với Trung Quốc hay tăng cường quan hệ với Mỹ.
Theo một quan chức ngoại giao ASEAN biết rõ diễn biến hội nghị tại Vân Nam, ASEAN đã chuẩn bị sẵn sàng một tuyên bố chung để công bố - như Malaysia cho biết lúc đầu và Trung Quốc cũng biết trước về tuyên bố này. Nhưng thay vì để ASEAN độc lập thể hiện quan điểm của mình đã thống nhất trước đó, Trung Quốc lại dựa vào các đối tác thân thiết của mình ở ASEAN để ASEAN phải ra quyết định rút lại tuyên bố chung đã công khai cho một số cơ quan truyền thông.
Nói cách khác, thay vì cùng ASEAN soạn thảo và ra tuyên bố chung theo hướng cùng hòa giải hoặc thể hiện quan điểm riêng mỗi bên, Trung Quốc lại chọn hủy hoại khả năng thể hiện quan điểm chung của ASEAN.
Trung Quốc luôn nói rằng mình theo quan điểm ngoại giao đôi bên cùng thắng trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Tuy nhiên theo quan chức trên, thực chất Trung Quốc lại có cách tiếp cận thắng thua trong quan hệ với ASEAN và thái độ này của Trung Quốc khiến quá trình ngoại giao giữa hai bên không mang lại kết quả tích cực.
Trung Quốc cũng không đạt được mục tiêu thứ hai - không nên để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai bên. Điều này thể hiện rất rõ qua nội dung tuyên bố chung đã được ASEAN đồng ý trước đó. Tuyên bố này được chia ra hai phần rõ ràng. Phần đầu tiên đề cập chủ yếu đến quan hệ ASEAN-Trung Quốc và việc chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 25 năm hai bên thiết lập quan hệ. Phần thứ hai đề cập rất chi tiết đến vấn đề biển Đông và nói rõ rằng vấn đề biển Đông đang ảnh hưởng đến quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các tuyên bố chung của ASEAN trước đây đề cập rất ít đến vấn đề biển Đông và nếu có đề cập cũng không nêu trực tiếp tên Trung Quốc. Việc dành hẳn nửa phần tuyên bố chung để nói về biển Đông và trực tiếp đề cập đến sự lo ngại của ASEAN lần này cho thấy đây là lần thể hiện cứng rắn nhất của khối.
Dĩ nhiên cần phải khẳng định là việc tuyên bố chung bị rút lại rất nghiêm trọng và đáng tiếc. Tuy nhiên cần thấy được đa số các nước ASEAN đã nắm cơ hội này để tăng áp lực lên Trung Quốc về biển Đông - mức áp lực mà chưa từng thấy trước nay.
Mục tiêu thứ ba và cuối cùng của Trung Quốc - biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với cả khối ASEAN mà là với riêng bốn nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc - không chỉ không đạt được mà còn bị phủ nhận.
Theo Diplomat, Campuchia và Lào - nước Chủ tịch ASEAN năm nay có liên quan việc tuyên bố chung ASEAN bị rút lại, do chịu áp lực từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, phản ứng sau đó của các nước có lẫn không có tranh chấp biển Đông với Trung Quốc - bao gồm cả Singapore và Indonesia - đã phá bỏ mong muốn của Trung Quốc là biến tranh chấp biển Đông thành chuyện riêng giữa Trung Quốc với bốn nước tranh chấp.
Singapore - có vai trò trung gian quan trọng giữa ASEAN với Trung Quốc - là trường hợp rõ nhất. Trước hội nghị vừa rồi Singapore đã không thoải mái với nỗ lực chia rẽ ASEAN của Trung Quốc. Sau khi tuyên bố chung ASEAN bị rút lại Singapore còn đưa ra thông cáo báo chí riêng về việc này, một dấu hiệu rõ cho thấy sự thất vọng của Singapore khi 8/13 dòng trong thông cáo tập trung nói về các lo ngại về biển Đông mà các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN truyền đạt tới phía Trung Quốc tại hội nghị.
Trong khi đó, Indonesia - nước lớn nhất trong khối ASEAN và khá yên lặng về vấn đề biển Đông gần đây - cũng ra tuyên bố khẳng định rằng hòa bình và ổn định sẽ rất khó mà đạt được nếu không có sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Quan trọng hơn, theo một nguồn tin ngoại giao nói với Diplomat, việc Indonesia quyết định ra tuyên bố dù đang chịu áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc rất có ý nghĩa và rất đáng chú ý.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Trung Quốc và ASEAN không có bất kỳ bất đồng thật sự nào trong vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, việc Malaysia công bố tuyên bố chung ASEAN - dù sau đó rút lại, việc Singapore và Indonesia ra thông cáo, cũng như việc ASEAN không họp báo chung sau hội nghị tự bản thân chúng đã nói lên một sự thật khác.
Từ những phân tích trên Diplomat cho rằng điều đọng lại sau hội nghị tại Vân Nam không phải là một sự chia rẽ thành công ASEAN nữa của Trung Quốc, mà là nỗ lực chưa có tiền lệ của đa số các nước ASEAN chống lại âm mưu này của Trung Quốc.
THIÊN ÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét