Từ năm 1993, các trạm hải đăng chính thức được xây dựng ở quần đảo Trường Sa, khu vực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, an ninh quốc phòng của nước ta.
Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo thuộc Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam có nhiệm vụ quản lý vận hành hệ thống đèn biển này. Để bảo đảm cho các ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa luôn phát sáng, hướng dẫn các con tàu đi lại an toàn là công việc không phải dễ dàng.
Kỳ tích của những người gác đèn biển
Giữa muôn trùng sóng gió, chuyện xây dựng một ngọn hải đăng là cả một kỳ công. Việc chuyên chở vật liệu, trang thiết bị phục vụ xây dựng và bảo dưỡng các hải đăng cũng như chở hàng hóa, thực phẩm tiếp tế cho anh em công nhân các trạm hải đăng đều do một con tàu Hải Đăng 05 đảm nhiệm. Con tàu này đã có thâm niên hoạt động trên 10 năm, tốc độ chỉ đạt 6 hải lý một giờ nhưng hiện nay vẫn cần mẫn cùng anh em công nhân công ty bám biển, đảm bảo cho các ngọn hải đăng trên biển luôn sáng để hướng dẫn các con tàu đi lại an toàn.
“Khi sóng yên biển lặng không có vấn đề gì, nhưng khi thời tiết xấu thì việc vận chuyển rất khó khăn. Mỗi chuyến tàu chỉ chở được hơn 1.000 tấn hàng. Nếu thiếu vật liệu thì phải quay trở lại lấy tiếp vật liệu trở ra. Cứ một lần vận chuyển và xây xong một ngọn hải đăng tầm khoảng 2 tháng rưỡi đến 3 tháng”, ông Nguyễn Đức Huy, Trưởng phòng kế hoạch Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo, người đã nhiều năm gắn bó với các trạm hải đăng kể.
Đến nay, trên quần đảo Trường Sa đã có 9 ngọn hải đăng, trong đó có 3 ngọn hải đăng được xây dựng trên 3 đảo chìm là Đá Lát, Đá Tây và Tiên Nữ. Với tầm phát sáng xa từ 12 đến hơn 20 hải lý, các trạm hải đăng của ta ngày đêm hiên ngang quét sáng biển Đông dẫn hướng các con tàu. Việc hình thành những trạm hải đăng tại quần đảo Trường Sa đối với ngành hàng hải nói chung, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam nói riêng là một nỗ lực phi thường, nỗ lực trong tìm kiếm giải pháp xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là nỗ lực trong việc xây dựng đội ngũ có thể sống, làm việc nơi trùng khơi sóng gió.
Anh em cán bộ, công nhân hải đăng đã vượt qua mọi gian khổ thiếu thốn về vật chất, gác lại nỗi cô đơn, nỗi nhớ đất liền, người thân luôn canh cánh trong tim để thắp sáng hải đăng Trường Sa, ánh sáng bảo đảm an toàn cho tuyến hàng hải huyết mạch biển Đông nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – Châu Á. Cao hơn tất cả là ánh sáng chủ quyền, khẳng định với thế giới, rằng: biển đảo Việt Nam là đây, không gì có thể thay đổi được.
Ông Phạm Xuân Thạch, Trạm trưởng Hải đăng Tiên Nữ, huyện Trường Sa tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Ở ngoài này anh em chúng tôi luôn sẵn sàng cùng với bộ đội cầm súng bảo vệ đảo và biển của Tổ quốc khi có chiến sự xảy ra”.
Tỏa ánh sáng chủ quyền quốc gia
Ngoài việc chăm lo các ngọn hải đăng, Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo còn phải đảm bảo việc báo hiệu hàng hải cho 21 đảo và 33 điểm đảo trên vùng biển Trường Sa. Cứ hai tháng một lần, tàu Hải Đăng 05 lại chở đầy trang thiết bị, nhu yếu phẩm ra tiếp tế cho anh em ở Trường Sa. Hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 9, trời yên bể lặng, khoảng 12 ngày đi thì tàu đến Trường Sa. Nhưng từ tháng 10 trở đi, gió mùa, biển động, đi lại khó khăn, nhiều chuyến tàu gặp bão phải neo đậu lại ăn tết với anh em ở Trường Sa. Lo lắng nhất là khi đến địa điểm tập kết, gặp sóng to, gió lớn không thể tiếp tế hàng hóa, lương thực được cho anh em trên đảo. Chưa kể, tàu hải cảnh Trung Quốc còn ngang ngược ngăn cản, gây hấn với tàu Hải Đăng 05 trên đường tiếp tế cho cán bộ, công nhân hải đăng Trường Sa.
Ngoài khó khăn về vật chất, thì việc xa gia đình 9 -10 tháng để trực canh trên các trạm hải đăng xa xôi cũng là một thử thách lớn trong tư tưởng của cán bộ công nhân hải đăng. Ngoài việc ổn định đời sống cho anh em trên các đảo, công ty đã thường xuyên nắm tâm tư nguyện vọng của anh em, làm tốt công tác tư tưởng để anh em yên tâm công tác. Công ty cũng phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Hải đội tự vệ trên biển, tổ chức huấn luyện cho anh em hải đăng kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu, sẵn sàng phối hợp với bộ đội khi có chiến sự xảy ra.
“Để phục vụ tốt hơn cho anh em ngoài quần đảo Trường Sa, chúng tôi đang đề nghị Nhà nước cho chúng tôi đóng thêm 1 con tàu lớn hơn nữa để đi biển vì con tàu hiện nay cũ, lại nhỏ không đảm bảo được việc vận chuyển tiếp tế cho anh em. Tôi cũng đề nghị Bộ Giao thông – vận tải và Nhà nước có kế hoạch xây dựng các đèn biển trên 21 đảo ở quần đảo Trường Sa. Hiện ta mới có 9 ngọn đèn biển, còn 13 đảo nữa chưa có đèn, không chỉ để xác định chủ quyền của đất nước, mà để cho tàu bè qua lại, đảm bảo an toàn giao thông trên biển”. Ông Nguyễn Duy Hiết, Giám đốc Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo cho biết.
Trong bối cảnh biển Đông hiện nay đang “nóng” lên do phía Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên biển, việc hoàn thiện hệ thống hải đăng quần đảo Trường Sa cũng là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ chính trị của Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của giao thông đường biển mà còn góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
“Tổng Công ty sẽ tập trung để đầu tư thêm cho khu vực Trường Sa, tạo môi trường về an toàn hàng hải cho khu vực, đồng thời thực thi các nghĩa vụ, quyền và chủ quyền của một quốc gia có biển; và cùng với các lực lượng như hải quân và các lực lượng khác sẵn sàng để bảo vệ Tổ quốc khi cần thiết”, ông Phạm Quốc Súy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam nói.
Trước mắt, ngoài việc áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật nâng cao chất lượng hệ thống hải đăng như sử dụng công nghệ L.E.D siêu sáng; tận dụng ánh sáng mặt trời để tiết kiệm năng lượng, Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam còn không ngừng củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công nhân hải đăng vững vàng về bản lĩnh, có trình độ nghiệp vụ cao, nhằm mục đích cao nhất để hải đăng Trường Sa luôn tỏa sáng, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển Đông./.
(Theo VOV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét