(Thời sự) - “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một chân lý được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết từ tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam và cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, lệ thuộc trên thế giới. Nước có độc lập thật sự, nhân dân mới có tự do, hạnh phúc. Ở bất kỳ thời kỳ lịch sử nào, chân lý đó vẫn vẹn nguyên giá trị. Bởi vậy, khi đất nước đã có độc lập thì giữ cho được nền độc lập ấy là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã coi Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử dân tộc Việt Nam (trước đó gồm “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi). Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá và là áng văn chính luận mẫu mực, thể hiện giá trị thời đại sâu sắc.
Tuyên ngôn đề cao những giá trị về quyền con người và từ quyền con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên quyền của các dân tộc. Từ việc trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyền của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Độc lập của Tổ quốc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Quyền con người gắn liền với quyền dân tộc, được bảo đảm bằng nền độc lập thực sự và bền vững.
Thực hiện lời thề độc lập, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã anh dũng chiến đấu suốt 30 năm chống sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, giành độc lập, thống nhất non sông, vững bước xây dựng, phát triển đất nước từ quá độ lên CNXH. 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của đất nước ta. Bằng những cải biến sâu sắc và toàn diện, quá trình đổi mới đã đem lại những thành tựu phát triển to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. Trong liên tục nhiều năm, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, góp phần đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, nâng cao đời sống nhân dân.
Chính trị – xã hội đất nước ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường, văn hóa – xã hội có bước phát triển tích cực. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy và mở rộng, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh của đất nước được nâng lên, độc lập, chủ quyền của đất nước được giữ vững. Cùng với quan hệ đối ngoại rộng mở và đang đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ngày nay, các quốc gia, dân tộc trên thế giới đang tham gia sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hợp tác cùng phát triển trong hòa bình và hữu nghị. Đó là xu thế chủ đạo diễn ra từ cuối thế kỷ XX đến nay mà chúng ta đang chủ động và tích cực tham gia với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới. Các nước trên thế giới đều là thành tố cấu thành của tiến trình hợp tác và đều phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định, trong đó nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất là tôn trọng, bảo đảm quyền độc lập, tự chủ của dân tộc khác. Đó là hiện thực lịch sử.
Dù vậy, các biến động gắn liền những quan hệ phức tạp và mâu thuẫn vốn là bản chất của thế giới, dù mỗi thời đoạn lịch sử hàm chứa các đặc thù khác nhau. Chiến tranh, xung đột cục bộ vẫn xảy ra, chủ nghĩa khủng bố và những hành vi tàn ác chà đạp quyền sống của con người. Đặc biệt, thái độ “lớn ép nhỏ”, lợi ích và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã kéo theo các hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của nước khác, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế. Trong đó, những phức tạp ở Biển Đông đã, đang và tiếp tục gây phức tạp, đe dọa đến hòa bình, ổn định của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Lịch sử Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát bởi các cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ độc lập. Việt Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Nhưng, để có một nền hòa bình thực sự và bền vững thì độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn trọng, những khác biệt về lợi ích, văn hóa cần được đối thoại cởi mở trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Tại đối thoại Shangri La lần thứ 12 diễn ra ở Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chúng ta không quên, nhưng cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi. “Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia”. Thủ tướng khẳng định. Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang hiện hữu như bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông… Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Từ thực tiễn lịch sử, nhân dân Việt Nam thấu rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng sự hòa hiếu nhưng quyết tâm bảo vệ nền độc lập như lời thề trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Từ bài học kinh nghiệm Cách mạng Tháng Tám đã cho thấy, giá trị lâu bền của độc lập dân tộc phải được gắn liền với quyền làm chủ của nhân dân dưới ngọn cờ tiên phong của một lực lượng chính trị chân chính, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám chính là bảo vệ giá trị độc lập dân tộc gắn liền với bảo đảm và phát huy chế độ làm chủ của nhân dân lao động. Chế độ đó chỉ có thể được bảo đảm đúng nghĩa khi xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là nguyên tắc của sự phát triển.
(Theo Công An Nhân Dân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét