Trong không khí náo nức của hàng triệu học sinh trên toàn quốc từ miền xuôi tới miền ngược chờ mong thời khắc thiêng liêng của buổi khai giảng năm học mới 2015 – 2016, nhiều thế hệ giáo viên, phụ huynh, học sinh không khỏi bồi hồi xúc động nhớ về bức thư đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cháu học sinh nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Ban biên tập đã có cuộc trò chuyện xúc động với PGS.TS. Phạm Mai Hùng - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xung quanh ý nghĩa đặc biệt của sự kiện lễ khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam ngay sau ngày Bác Hồ đứng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử đọc bản Tuyên ngôn độc lập cũng như những dòng thư đầy thân thương mà Người gửi thế hệ học sinh vào tháng 9/1945.
Dứt khoát phải coi trọng học hành, coi trọng tri thức
PGS.TS. Phạm Mai Hùng cho rằng, trước hết cần phải xếp Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nằm trong chuỗi sự kiện Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, sáng 3/9/1945, các Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dự phiên họp đầu tiên của Chính phủ tại Bắc Bộ Phủ (Dinh Thống sứ Bắc Kỳ cũ), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mở đầu phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính phủ đối với đất nước, đồng thời nêu lên sáu công việc cấp bách của cách mạng nước ta, trong đó có nhiệm vụ chống giặc dốt – một nhiệm vụ mà Người coi là vô cùng quan trọng cũng như chống giặc ngoại xâm và chống giặc đói, đó là “mở ngay một chiến dịch chống nạn mù chữ”.
Theo số liệu, khoảng tháng 9/1945, có đến hơn 90% dân ta mù chữ. Mà mù chữ chắc chắn hạn chế rất nhiều trong việc xây dựng Nhà nước sau ngày độc lập. Do đó, Người đề nghị phát động phong trào Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ trong thời gian ngắn nhất, để mọi người có thể đọc được, viết được Tiếng Việt.
Trên tinh thần ấy, với sự quyết tâm của cả dân tộc, sau vài tháng, rất nhiều địa phương hoàn thành chương trình Bình dân học vụ, bổ túc cho dân có thể đọc có thể viết được, mà Hà Nội là địa phương sớm nhất đã hoàn thành công việc này.
Vậy, tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại coi việc chống nạn mù chữ lại quan trọng như vậy? Theo Người, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, nên muốn trở thành một quốc gia hùng cường thì dứt khoát phải coi trọng học hành, coi trọng tri thức.
Thư Bác Hồ gửi học sinh năm 1945 – Nguồn động viên khích lệ lớn đối với dân tộc
Từ sự kiện ấy cho đến ngày khai trường của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, việc lá thư Bác Hồ gửi nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một bức thư có nội dung hết sức súc tích, và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với dân tộc ta cũng như thế hệ trẻ sau này.
Trong thư, ngoài việc chúc mừng các em học sinh trở lại trường sau mấy tháng hè xa thầy, xa bạn, tay bắt mặt mừng chuẩn bị bước vào năm học mới, điều quan trọng Bác muốn nói để các em hiểu là mới chỉ vài tháng trước đó các em còn nhận một “nền học vấn nô lệ” của chế độ thực dân, đào tạo nên những người làm tay sai, tôi tớ cho họ mà thôi.
Còn ngày nay dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, các em sẽ tiếp nhận một nền giáo dục mới, nền giáo dục này sẽ tạo điều kiện cho các em nhiều mặt về đức, trí, thể, mỹ, một nền giáo dục cố gắng tới mức tối đa để đào tạo các em thành những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển toàn diện những năng lực sẵn có của các em.
Bác cũng nhấn mạnh, trong công cuộc kiến thiết đất nước sau ngày độc lập, nước nhà rất mong đợi các em, tức là mong đợi ở kết quả học tập của các em. Theo Người, “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần ở công lao học tập của các em”.
Cho nên, có thể nói thư Bác là nguồn động viên khích lệ rất lớn đối với cả thầy và trò, và cả dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Bức thư không chỉ có ý nghĩa đối với các em học sinh, mà còn cả các bậc phụ huynh. Đây cũng là lần đầu tiên các bậc phụ huynh được nghe lời tâm tình nồng thắm đến vậy của một vị Cha già dân tộc, một vị Chủ tịch của một nhà nước non trẻ.
Luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục
Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Điều này có lẽ bắt nguồn từ chiêm nghiệm của Người sau hơn 30 năm lăn lộn với phong trào công nhân, phong trào cộng sản quốc tế để tìm đường cứu nước.
Một dân tộc không có nền giáo dục tốt và công dân của dân tộc ấy hạn chế về trí thức, giáo dục thì chắc chắn sẽ để lại những hệ quả không tốt cho xây dựng đất nước trong tương lai. Vì thế, sau khi giành được chính quyền, Người coi giáo dục là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng.
Trong quá trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: một dân tộc, một quốc gia độc lập mà nhân dân không được hạnh phúc, không có cơm ăn, không có áo mặc, không được học hành thì nền độc lập ấy cũng không có ý nghĩa gì.
Và tinh thần đó không chỉ được thể hiện qua những bức thư mà Bác Hồ gửi cho ngành giáo dục mà còn ở những việc làm của Người sau khi đất nước thành công.
Còn nhớ vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp với tư cách là nguyên thủ quốc gia. Sau khi hoàn thành mục đích chuyến đi, Người còn lưu lại nước Pháp một thời gian ngắn để tìm hiểu hoạt động của Việt kiều, đặc biệt là trí thức Việt Nam, và thông qua đó động viên anh em trí thức người Việt Nam tham gia xây dựng đất nước.
Đã có một số trí thức lớn sẵn sàng từ bỏ cuộc sống đủ đầy, sung túc để theo tiếng gọi Tổ quốc vừa tham gia kháng chiến cứu quốc, vừa xây dựng nước nhà. Đó chính là những tấm gương lớn để các thế hệ học sinh Việt Nam sau này noi theo.
Khi hoàn thành cuộc kháng chiến chống Pháp trong 9 năm, trở lại Thủ đô, Người lại càng quan tâm đến sự nghiệp giáo dục hơn nữa. Hiện nay, trong kho lưu trữ ảnh của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh… còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các em học sinh, sinh viên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (và nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Người đã đi thăm các lớp bình dân học vụ, các lớp mẫu giáo, các trường THCS, THPT hay các trường đại học… và luôn luôn mong các trò phải học thật tốt, thầy cô dạy thật tốt để thực hiện chiến lược trồng người như Người hằng mơ ước.
Có thể nói, bức thư đầu tiên cũng như sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà từ khi Việt Nam hoàn toàn độc lập cho đến nay là vô cùng to lớn. Đó là di sản vô cùng quý báu mà Người đã để lại cho Đảng và nhân dân chúng ta.
(Theo Tin Tức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét