Lâu nay nói đến nguyên nhân của suy thoái đạo đức trong một số không ít cán bộ đảng viên, chúng ta thường nói nguyên nhân về tư tưởng, về kinh tế… Điều này không sai nhưng chưa đầy đủ. Điều sâu xa hơn là nguyên nhân về văn hóa thì hình như chúng ta ít đề cập, phân tích chưa đúng mức.
Trước hết là văn hóa nhận thức. Đó là một thực tế hiển nhiên. Bây giờ đã khác xa ngày trước. Ngày trước làm quan là để tỏa sáng về đạo đức liêm khiết thanh cao của mình, ngồi ở vị trí càng cao thì càng phải cố hết sức để tỏa sáng. Nhưng bây giờ ít ai nghĩ thế. Đã làm quan là phải giàu có, phải hơn người về hưởng thụ. Không được như thế không phải là quan. Đó là nhận thức rất sai lệch.
Tiếc thay một số không ít người lại cho đó là “chuẩn mực” của sự làm quan thời nay. Và thoái hóa bắt đầu từ đó, ngồi vào ghế quan là đã nghĩ đến nhà đẹp, xe đẹp, con cái vào làm những chỗ “ngon”, cháu chắt vào học những trường siêu “đắt”, cả nhà dắt nhau đi du lịch hết trong rồi ngoài nước. Và còn biết bao thú vui khác nữa.
Để có cuộc sống như thế thì phải có tiền, cách có tiền dễ dàng nhất là đi vào con đường suy thoái, mà thủ đoạn thường thấy là cố tình và tinh vi làm sai lệch chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cố tạo ra những kẻ hở để trục lợi ngay trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách đó. Tiếc thay xu hướng nhận thức làm quan là để làm giàu dễ dàng nhất đang ngày càng ăn sâu vào các thế hệ hiện nay. Mà không chỉ có làm quan đâu, nhiều người bây giờ “tìm cách” được vào biên chế, nhất là những chỗ “vớ bở” để làm giàu bất chính.
Nhận thức làm cán bộ thực sự là làm đầy tớ cho dân như trước đã xa lắm rồi. Đó là điều thực sự nguy hiểm. Từ suy thoái về lối sống đến suy thoái về chính trị là điều tất nhiên. Văn hóa phải vào cuộc mạnh mẽ để chuyển lái nhận thức sai lệch đó. Trước hết là coi trọng sự tôn vinh về những phẩm giá thanh khiết cao đẹp. Phải tôn vinh những phẩm giá thanh liêm trong sạch, coi đó như là niềm tự hào của xã hội. Tôn vinh chính là góp vào để gieo mầm.
Chúng ta tôn vinh nhiều về những doanh nhân giỏi, những nông dân sản xuất giỏi, những người thợ có nhiều sáng kiến làm ra nhiều của cải…Đó là cần thiết nhưng chưa đủ. Cần tôn vinh những người có phẩm chất thanh khiết, liêm chính nhiều hơn nữa.
Bên cạnh những tấm gương đã đi vào lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại hoặc những gương sáng như nhà giáo Chu Văn An mà trên các chương trình văn hóa thường xuất hiện thì rất cần những gương liêm khiết hiện tại không bị cám dỗ bởi những đam mê vật chất, đứng vững trước sự tấn công của lối sống thực dụng, buông thả, nhất là những cán bộ làm việc trong môi trường dễ nảy sinh tiêu cực, những cán bộ lãnh đạo các cấp thường bị nhiều áp lực…
Điều này ta làm chưa được nhiều và hình như còn xem nhẹ. Dẫu rằng tìm không dễ nhưng phải tìm để nhân dần lên, phải ươm cho được nhiều giống mới. Tất nhiên là phải tìm được mẫu hình mới, thực chất trong cơ chế thị trường hiện nay. Muốn làm được điều này thì văn hóa phải thực sự vào cuộc và đóng vai trò quan trọng.
Bên cạnh tôn vinh cái hay cái đẹp về phẩm chất thanh cao, văn hóa cũng cần phê phán, lên án mạnh hơn nữa những thủ đoạn ẩn náu đằng sau sự thoái hóa, giật dây cho thoái hóa. Văn hóa phải tìm và truyền bá những điển hình về sự suy thoái này để tạo nên một áp lực xã hội lên án mạnh mẽ, loại trừ nó như là loại trừ một bóng ma đang ám ảnh xã hội ta.
Xin trở lại một sự kiên có liên quan đến việc chống suy thoái đã diễn ra trong lịch sử Việt Nam ta. Tháng 12 năm 1284, quân ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc chống trả đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng. Một phần vì thế giặc mạnh, một phần tướng quân Trần Hưng Đạo đã nhận ra những suy yếu từ tướng sĩ của quân ta do sao nhãng việc quân như đi vào các thú vui chọi gà, cờ bạc, rượu chè, vợ đẹp… Mà bây giờ ta gọi là sự tha hóa.
Trần Hưng Đạo đã lên án những căn bệnh đó bằng một áng văn “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng với những lời rất đanh thép: Liệu khi giặc đến cựa gà có đâm thủng áo giặc? Mẹo cờ không đủ cho mưu lược nhà binh? Vợ đẹp không ích gì cho việc quân quốc, rượu ngon không làm cho giặc say chết…và thất bại là tất nhiên, lúc đó thì “chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu danh mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận.
Lúc bấy giờ dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích liệu có được chăng?”. “Hịch tướng sĩ” như một tiếng bom cảnh tỉnh góp phần rất lớn để lấy lại sức mạnh đoàn kết trên dưới một lòng, đánh tan quân giặc sau đó. Nó đánh một dấu mốc lớn trong lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử văn hóa nói riêng về chống căn bệnh tha hóa.
(Theo Công An Nhân Dân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét