Ngày 30/8, tại diễn đàn Singapore Lecture, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu quan trọng, đề cao sự đoàn kết, hòa bình và cùng nhau phát triển. Thông điệp trong bài phát biểu của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của hơn 500 đại biểu, trong đó có nhiều lãnh đạo, quan chức chính phủ Singapore. Một số tờ báo trong nước đã dẫn câu nói mà theo họ là “đắt nhất” của Chủ tịch nước đưa lên làm tiêu đề như: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Để mất ổn định, tất cả cùng thua” (Tuổi Trẻ); “Mất ổn định, xung đột vũ trang thì tất cả cùng thua” (Vietnamnet); “Chủ tịch nước: Nếu xảy ra xung đột vũ trang, tất cả sẽ cùng thua” (Dân Trí); “Chủ tịch nước: Tất cả cùng thua nếu xung đột Biển Đông” (Soha), “Chủ tịch nước cảnh báo tất cả sẽ thua nếu xung đột Biển Đông” (Vnexpress)…
Có thể nói, Chủ tịch nước đã đưa ra một thông điệp rất sâu sắc, được truyền thông trong và ngoài nước đăng tải rộng rãi và các nhà lãnh đạo, chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà phân tích chính trị quốc tế, nói rằng: “Đây là một diễn văn rất quan trọng, cho thấy chủ động của Việt Nam để vận động Asean cũng như thế giới. Việc Chủ tịch nước cảnh báo là nếu chiến tranh xảy ra sẽ bất lợi cho tất cả, đây không phải là lời nói suông”. Còn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận về thông điệp của Chủ tịch Việt Nam tại Singapore rằng, Trung Quốc không nên nghĩ rằng có thể giải quyết các vấn đề bằng bạo lực và nếu xảy ra xung đột, thì kẻ mạnh cũng sẽ thua, phải trả giá rất đắt cho chiến tranh, chứ không phải là chuyện đơn giản.
Tuy nhiên, một số kẻ lại cố tình xuyên tạc, công kích lãnh đạo ta là “hèn nhát”, “chưa đánh đã hàng địch”,…
Trong khi đó, bài viết của các báo đều ghi rõ, Chủ tịch nước sau khi nêu bật tầm quan trọng của Biển Đông và cảnh báo những diễn biến đáng quan ngại gần đây, đang tác động tiêu cực đến an ninh khu vực, làm xói mòn lòng tin, đã nhấn mạnh: “Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua”. Cần phải hiểu hàm ý trong thông điệp “tất cả cùng thua” của Chủ tịch nước rằng, nếu xảy ra xung đột, không chỉ nước nhỏ, yếu hơn thua mà bất cứ quốc gia lớn, hùng mạnh nào cũng bị tàn phá. Bên cạnh đó, phát biểu của Chủ tịch nước còn là lời cảnh báo, “răn đe” gửi đến những kẻ đầu nóng phải trả giá nếu chiến tranh xảy ra: Hãy nhớ, Việt Nam chúng tôi không bao giờ khuất phục, sẽ giáng trả bất cứ kẻ nào dám xâm lược chủ quyền đất nước, mà người dân Việt Nam có thể hiểu “trạng chết chúa cũng băng hà” đấy…!
Lời cảnh báo này hoàn toàn đúng vì, mất ổn định, chiến tranh xảy ra thì các nước phải tạm gác lại những dự định phát triển để đấu tranh giành lại nền hòa bình. Nhân dân Việt Nam là những người rõ hơn ai hết giá trị của hòa bình. Bởi, chúng ta đã trải qua 2/3 thế kỷ để vươn lên từ “tro tàn đổ nát” của chiến tranh. Chính từ những đau thương, mất mát mà dân tộc mình phải gánh chịu, Chủ tịch nước nhấn mạnh ước vọng về hòa bình, an ninh và phát triển. Ông cũng đồng thời chỉ ra, con đường duy nhất để biến ước vọng thành hiện thực là tất cả các quốc gia phải đoàn kết, chung tay hành động. Đây là thông điệp cốt lõi mà Chủ tịch nước muốn truyền đi qua bài phát biểu của mình, chứ không phải là sự “hèn nhát” mà một số kẻ xuyên tạc.
Khát khao hòa bình đến cháy bỏng là thật, nhưng nếu ai đó cho rằng, lãnh đạo Việt Nam “hèn nhát”, “im lặng để chủ quyền đất nước rơi vào tay Trung Quốc”, thì đó là cạn nghĩ. Hỏa lực Việt Nam có thể yếu hơn, số lượng quân lính có thể không nhiều, nhưng chúng ta suốt nhiều năm qua chưa từng để mặc cho bất cứ nước nào xâm chiếm chủ quyền. Không phải ngẫu nhiên mà chuyên gia Úc Carlyle Thayer lại nhận xét: “Việt Nam không muốn tiến tới đối đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh tốn kém tiền bạc và công nghệ. Tuy nhiên, quân đội Việt Nam được hiện đại hóa để sẵn sàng bắt Trung Quốc trả giá”.
“Việt Nam muốn hòa bình để phát triển nên còn một cơ hội hòa bình nào dù là mỏng manh để tránh khỏi chiến tranh thì Việt Nam vẫn không bỏ qua”, đó là nguyên tắc bất di bất dịch của chúng ta. Bởi, đánh nhau ai thiệt trước? Chắc chắn binh sĩ (thanh niên trai trẻ) và người dân của tất cả các nước chịu thiệt trước, vì thế càng tránh cho lính hy sinh, dân thiệt mạng mà vẫn bảo vệ được chủ quyền thì tìm mọi cách để tránh, đó không chỉ là cái TÂM mà còn thể hiện cái TẦM của người làm lãnh đạo.
Việt Nam chúng ta không chỉ tuyên bố khẳng định chủ quyền; phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của đất nước; mà còn liên tục tập trận bắn đạn thật, phóng tên lửa thật ở Biển Đông; hiện đại hóa quân đội, nâng cao hệ thống phòng thủ và tăng cường năng lực tác chiến phòng thủ;…và sẵn sàng giáng trả, đập tan bất kỳ hành động xâm lược nào… Tất cả những gì liên quan đến chủ quyền chúng ta đều đã và đang làm, bất kể những điều này đối nghịch với lợi ích và những tuyên bố của phía Trung Quốc, thì sao có thể gọi là “hèn nhát”. Những việc làm này, không lẽ chúng ta phải phô trương ra bên ngoài, phải khoe trước cộng đồng quốc tế, để họ thấy chúng ta luôn trong tâm thế chuẩn bị chiến tranh hay sao? Một đất nước tối ngày chỉ lo chuẩn bị chiến tranh, nước ngoài nhìn vào họ sẽ nghĩ gì? Liệu còn ai dám đầu tư vào Việt Nam nữa không?
Có câu “cách tốt nhất để thắng một cuộc chiến tranh là ngăn nó xảy ra”. Vậy nên, với tư cách là Thống lĩnh các lực lượng vũ trang, ngoài củng cố tiềm lực quốc phòng, Chủ tịch nước đã, đang và sẽ tận dụng tối đa mặt trận ngoại giao như một “vũ khí mềm” để cảnh báo những bất ổn trên Biển Đông không chỉ gây nguy hại cho Việt Nam mà còn với tất cả các nước. Qua đó, Chủ tịch nước kêu gọi sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết của các quốc gia để chặn đứng việc xảy ra xung đột. Sự nhạy cảm, khôn khéo trong ngoại giao, xuất phát từ tâm thế luôn đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, trong thông điệp hòa bình bài phát biểu của Chủ tịch nước là vậy…! (ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét