Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Tình hình và thực trạng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Đồng bào Công giáo đón giao thừa 2014 – 2015 tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Tà Pao
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo và đa dân tộc. Giáo hội các tôn giáo khi được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân đều được chính quyền các cấp quan tâm và tạo thuận lợi để hoạt động tôn giáo bình thường trong khuôn khổ luật pháp.

Từ khi bước vào thời kỳ đổi mới và nhất là sau năm 1990 đến nay, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam sôi động và đang có chiều hướng gia tăng. Lễ hội trong các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức rầm rộ với quy mô ngày một lớn và diễn ra khắp mọi miền của Tổ quốc. Lễ Nôen, lễ Phật đản và những buổi lễ trọng khác của các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian trở thành ngày hội chung của toàn dân, lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Dịp đầu xuân, người dân náo nức đến đình, đền, miếu, phủ, nhà thờ, thánh thất… dâng hương lễ bái, cầu lộc, cầu tài và những nhu cầu tâm linh khác. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là nhu cầu tâm linh của các tín đồ mà còn là nhu cầu sinh hoạt văn hoá của cả cộng đồng. Nhu cầu chính đáng ấy được chính quyền các địa phương tạo điều kiện đáp ứng, làm cho tín đồ, chức sắc các tôn giáo an tâm, phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Việc xây dựng, sửa chữa, tu bổ nơi thờ tự diễn ra khắp nơi; các lớp bồi dưỡng, đào tạo, hoặc phong bổ, thuyên chuyển, cũng như in ấn, xuất bản các ấn phẩm tôn giáo, hoạt động đối ngoại tôn giáo đều gia tăng. Tình hình tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở Việt Nam thể hiện những điểm sau đây:
- Thực trạng tín đồ các tôn giáo: Đến năm 2007, tổng tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam là 23 triệu. Trong đó: Phật giáo gần 10 triệu; Công giáo 5,9 triệu; Tin Lành gần 1 triệu; Hồi giáo 67 nghìn; Cao Đài 3,2 triệu; Phật giáo Hòa Hảo khoảng 1,4 triệu; Tịnh độ cư­ sĩ Phật Hội 1,4 triệu; Tứ Ân Hiếu Nghĩa 78 nghìn, Ngũ Chi Minh Chân Đạo 10 nghìn. Từ năm 2005 đến năm 2007 tín đồ tăng 2 triệu ng­ười.
Trong những năm qua, nhờ đổi mới về nhận thức và thực hiện đúng đắn chính sách tôn giáo mà năng lực, sức sáng tạo của hàng chục triệu đồng bào có đạo đã được phát huy.
Từ trước đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, không và chưa bao giờ có chủ trương cản trở hoạt động tôn giáo bình thường của nhân dân. Đương nhiên, bất cứ tôn giáo nào cũng đều nằm trong cộng đồng dân tộc nhất định và chịu sự quản lý của Nhà nước. Do đó, những người hoạt động tôn giáo, bên cạnh việc hành đạo, phải tôn trọng luật pháp quốc gia. Hầu hết đồng bào có tôn giáo chỉ mong sống “tốt đời, đẹp đạo”, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Thực trạng cơ sở thờ tự của các tôn giáo: Những cơ sở thờ tự luôn được nhà nước bảo hộ và cho phép tu bổ, sửa chữa và xây dựng mới ngày càng khang trang, sạch đẹp. Sau khi có Nghị quyết 25/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo, theo thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm (2003 - 2005), số cơ sở thờ tự của tôn giáo được xây mới là 832, tu bổ sửa chữa là 1.051. Đến năm 2007, cả nước có 14.321 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường; 6.000 nhà thờ Công giáo và 500 nhà thờ của đạo Tin Lành; 1.000 thánh thất của đạo Cao Đài; 200 chùa quán Hoà Hảo, 89 thánh đường của Hồi giáo; hàng vạn ngôi đình, đền, miếu, phủ... và những cơ sở thờ tự khác của tín ngưỡng dân gian trải dài khắp cả nước. Một số chi hội Tin Lành ở Tây Nguyên mới thành lập được cấp đất xây dựng nhà thờ.
- Thực trạng cơ sở đào tạo của các tôn giáo: Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đào tạo những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, nên số lượng chức sắc ngày càng gia tăng.
Phật giáo, trước năm 1975 chỉ có một trường Đại học thì nay số trường, lớp tăng dần hàng năm. Năm 1993 có 22 trường thì đến năm 2001 có 34 trường. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có 4 Học viện Phật học với trên 1.000 tăng, ni sinh; 35 lớp Cao đẳng và Trung cấp Phật học với trên 5.000 tăng, ni sinh; 1.076 cơ sở từ thiện và nhân đạo, trong đó có 950 lớp học tình thương. Phật giáo Nam tông Khmer có 2.500 các vị sư theo các lớp Cao cấp và Trung cấp Phật học Pali. Đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo đang mở rộng theo hướng rút ngắn thời gian chiêu sinh, tăng số lượng, mở rộng loại hình đào tạo. Học viện Phật giáo Hà Nội tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2. Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ sau khi được cấp đất xây dựng mới đang tiếp tục hoàn tất thủ tục để triển khai xây dựng.
Đạo Công giáo cũng mở thêm các Đại chủng viện để đào tạo linh mục. Năm 1987 mới có 1 trường, năm 1988 thêm 3 trường, năm 1991 thêm 1 trường và năm 1994 có thêm 1 trường nữa. Đến năm 2008, ở Việt Nam có 6 Đại chủng viện và 2 Phân viện là Xuân Lộc (Đồng Nai) và cơ sở 2 của Đại chủng viện Liên địa phận Hà Nội tại Tòa Giám mục Bùi Chu (Nam Định).
Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã thành lập Viện Thánh kinh Thần học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian qua, đạo Tin Lành đã đào tạo và bồi dưỡng cho 267 mục sư, truyền đạo, đã mở được 2 khóa với 150 học viên theo học, mở 3 lớp bồi dưỡng thần học cho 113 truyền đạo, chấp sự là người dân tộc ở Tây Nguyên, 22 tín hữu người dân tộc được cử đi học tại Viện Thánh kinh Thần học
Đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo đều tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo lý, giáo lý hạnh đường cho chức sắc, chức việc với số lượng khá cao.
Các tôn giáo khác, tuỳ theo hình thức đào tạo truyền thống của mình cũng được Nhà nước chấp thuận mở các lớp đào tạo chức sắc. Ngoài ra, Nhà nước còn cho phép nhiều người đi tu nghiệp, học tập và thăm viếng ở nước ngoài. Số người đi tu nghiệp ở nước ngoài ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều người đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ.
- Thực trạng đội ngũ chức sắc các tôn giáo: Từ năm 2003 đến năm 2005, có 3.621 chức sắc được phong chức, bổ nhiệm và thuyên chuyển; xuất cảnh 1.413 vị; có 14.446 chức sắc đang được đào tạo ở các trường lớp tôn giáo, số đã tốt nghiệp là 12.380.
Tính đến cuối năm 2007, cả nước có khoảng 80.000 chức sắc, nhà tu hành; cơ sở thờ tự khoảng 24.0001.
Số linh mục, giám mục tấn phong ngày một tăng. Sinh hoạt của đạo Công giáo sống động từ giáo họ, giáo xứ đến giáo phận… làm cho bà con giáo dân rất phấn khởi. Ở Việt Nam, tín đồ và chức sắc các tôn giáo đã và đang yên tâm hành đạo và tin tưởng ở chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Họ gắn bó với quốc gia, dân tộc theo đường hướng: “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, thực hiện “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, “nước vinh, đạo sáng”, với tấm lòng “kính chúa, yêu nước”; vừa hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc, vừa làm tròn bổn phận của một tín đồ đối với tôn giáo; hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Thực trạng các ấn phẩm tôn giáo của các tôn giáo: Sau khi Nhà xuất bản Tôn giáo được thành lập (1999) đã: “cấp giấy phép xuất bản cho hơn 1.000 đầu sách, với hàng triệu bản in”. Riêng 6 tháng đầu năm 2008, cơ quan chức năng đã làm thủ tục cấp giấy phép xuất bản cho trên 340 đầu sách, ấn phẩm tôn giáo các loại, trong đó riêng Phật giáo sách và ấn phẩm phục vụ cho Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm 2008 là 40 ấn phẩm.
Những năm qua Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đang xúc tiến việc xuất bản Kinh thánh bằng tiếng dân tộc ở Tây Nguyên, trước hết là tiếng Bana, Êđê và Giarai.
- Thực trạng của các tổ chức tôn giáo: Từ khi có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo việc cấp đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo ngày càng thông thoáng và có nhiều thuận lợi.
Trước khi có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 22 và Chỉ thị 01/2005/CT-TTg, ở nước ta có 16 tổ chức, hệ phái của 6 tôn giáo được công nhận. Sau khi có các văn bản pháp luật trên Nhà nước tiếp tục xem xét, cho đăng ký hoạt động và công nhận tư cách pháp nhân cho một số tổ chức, hệ phái tôn giáo khác.
+ Công nhận điểm, nhóm tôn giáo.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chính quyền các cấp đang triển khai Chỉ thị 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành; hướng dẫn cho các điểm, nhóm Tin Lành đăng ký hoạt động, từng bước giúp đỡ và tạo điều kiện cho đồng bào theo đạo Tin Lành ổn định sinh hoạt tôn giáo. Riêng vùng Tây Bắc, đến cuối năm 2007 có 50 điểm nhóm được cấp giấy hoạt động.
Tổng Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đến giữa năm 2008 có tới 106 chi hội được công nhận (đã Đại hội đồng) và gần 1.156 điểm nhóm được cấp giấy đăng ký sinh hoạt tôn giáo.
Tổng Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), có 92 điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo.
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận pháp nhân tôn giáo.
Cho đến hết tháng 10-2008 ở Việt Nam đã công nhận tư cách pháp nhân và cấp giấy đăng ký hoạt động tôn giáo cho các tôn giáo sau:
1- Phật giáo: Thống nhất Phật giáo vốn là nguyện vọng chung của tăng ni, phật tử cả nước. Từ năm 1945 cho đến trước năm 1981, tăng ni, Phật tử nước nhà đã khởi xướng và tiến hành 4 cuộc vận động thống nhất Phật giáo (những năm 1951, 1960, 1964, 1980) và đến ngày 7-11-1981, tại chùa Quán Sứ, với sự hiện diện của 165 vị đại biểu đại diện cho 9 tổ chức hệ phái Phật giáo cả nước, đó là: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam; Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Giáo Hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam; Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; Giáo Hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Hội đoàn sư sãi yêu nước miền Tây nam bộ; Giáo Hội Khất sĩ Việt Nam; Giáo Hội Thiên Thai giáo quán tông; Hội Phật học Việt Nam2. Các đại biểu đã nhất trí hợp nhất chín hệ phái vào một với danh xưng là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, trong mái nhà chung của Phật giáo nước nhà. Đây là tổ chức hợp pháp, duy nhất đại diện cho phật tử trong và ngoài nước.
2- Công giáo: Công giáo Việt Nam là một bộ phận của Công giáo thế giới, năm 1980 thành lập Giáo hội Công giáo Việt Nam.
3- Đạo Tin Lành: có 9 hệ phái, đó là:
- Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) được thành lập năm 1958;
- Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) được công nhận năm 2001;
- Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam;
- Hội thánh Cơ đốc Phục lâm Việt Nam;
- Tổng Hội Thánh Báp tít Việt Nam (Ân điển - Nam phương) được công nhận ngày 13-10-2000;
- Hội Thánh Mennoite Việt Nam;
- Hội Thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam;
- Hội Thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam;
- Hội Thánh Báp tít Việt Nam.
4- Đạo Cao Đài: có tới 19 tổ chức, hệ phái. Đến cuối năm 2000 đã có 10 tổ chức, hệ phái được công nhận tư cách pháp nhân, đó là:
- Cao Đài Tiên Thiên, tỉnh Bến Tre (công nhận năm 1995);
- Cao Đài Chiếu Minh Châu Long, thành phố Cần Thơ (năm 1996);
- Cao Đài Truyền Giáo (năm 1996);
- Cao Đài Minh Chơn đạo (năm 1996);
- Cao Đài Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (năm 1996);
- Cao Đài Ban Chỉnh đạo (năm 1997);
- Cao Đài Bạch Y, tỉnh Kiên Giang (năm 1998);
- Cơ quan Phổ thông giáo lý (năm 1999);
- Cao Đài Chơn lý (năm 2000);
- Cao Đài Cầu Kho Tam quan (năm 2000).
Còn 9 hệ phái khác, tuy chưa công nhận, nhưng thực tế vẫn đang hoạt động.
5- Phật giáo Hoà Hảo: Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (năm 1999).
6- Hồi giáo: có 3 địa phương, đó là;
- Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh (năm 1992);
- Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang (năm 2004);
- Hội đồng Sư cả Bàni tỉnh Ninh Thuận.
Hiện có 6 tôn giáo mới thừa nhận và cấp giấy đăng ký hoạt động, đó là:
Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, ngày 21-11-2007, công nhận tổ chức với 4 cấp.
Đạo Baha’i, công nhận tháng 8-2008.
Minh Lý đạo - Tam tông Miếu, công nhận ngày 1-10-2008.
Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh sư đạo, công nhận ngày 1-10-2008.
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, cấp đăng ký hoạt động theo từng chùa, tháng 7-2005.
Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cấp giấy đăng ký hoạt động về mặt tổ chức, ngày 4-6-2006.
Sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, cũng như chức sắc tín đồ đi học tập, nghiên cứu, hội thảo, thăm thân nhân ở nuớc ngoài cũng đã được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho họ sinh hoạt tôn giáo thuận lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam. Xuất phát từ chính sách đối ngoại mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế, Nhà nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia, với các tổ chức quốc tế có liên quan đến tôn giáo dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật mỗi bên, với pháp luật và thông lệ quốc tế.
Vì vậy, các tổ chức tôn giáo trong nước có điều kiện mở rộng quan hệ đối ngoại tôn giáo, quan hệ và giao lưu với các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài. Qua những hoạt động đó, một mặt các tôn giáo tăng cường được sự hiểu biết lẫn nhau, mặt khác làm rõ sự đúng đắn của chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam trước thế giới, góp phần tích cực vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Những thập niên qua, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ dừng lại ở việc nhận thức mà thực sự đã đi vào cuộc sống của đông đảo đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, làm cho đồng bào an tâm phấn khởi, tin tưởng vào chính sách và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo. (Tạp chí Mặt trận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét