Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên

Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh : Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Tây Nguyên là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch lựa chọn thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá nhiều mặt, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Đặc biệt nguy hiểm, các thế lực thù địch dung dưỡng lực lượng phản động Fulro, lợi dụng những vấn đề lịch sử để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thành lập cái gọi là “Nhà nước Đềga độc lập” ở Tây Nguyên. 

Âm mưu, thủ đoạn chống phá của bọn phản động Fulro ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng sử dụng tổng hợp các biện pháp và thủ đoạn để chống phá trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Bằng nhiều phương thức, các lực lượng phản động tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của Đảng, Nhà nước ta dành cho khu vực Tây Nguyên. Chúng lợi dụng những thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số để xuyên tạc đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hòng gây sự hoài nghi, chia rẽ trong đồng bào. Chúng tìm mọi cách vừa tuyên truyền xuyên tạc, vừa khoét sâu mâu thuẫn giữa người Kinh với người Thượng, lợi dụng một số cán bộ địa phương có sai lầm, khuyết điểm để kích động đồng bào tụ tập đấu tranh, gây rối, biểu tình. Chúng triệt để lợi dụng và xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai, xem đây là những “ngòi nổ” để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, “bài Kinh”.
Cuộc đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên là một quá trình lâu dài, phức tạp, không chỉ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt mà còn có tính chiến lược trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Để giải quyết tốt vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên, ngăn chặn hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban ngành tăng cường truyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm cho nhân dân, trước hết là đồng bào dân tộc thiểu số thấy được tính đúng đắn, ưu việt trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Nhận rõ tầm quan trọng và vị trí chiến lược của địa bàn Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chính sách mang tính đột phá tập trung giải quyết vấn đề đất đai, nhà ở, giao đất, giao rừng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc, khu vực biên giới Tây Nguyên được quan tâm thực hiện như: Chương trình 135 (triển khai từ năm 1998) góp phần tích cực cải thiện điều kiện vật chất, văn hoá của đồng bào các dân tộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; Chương trình 132 (triển khai từ năm 2002), Chương trình 134 (triển khai từ năm 2004) giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Kết quả của các chương trình trên đã góp phần tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức mơ hồ về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với những thông tin chính thống còn bất cập; việc biểu dương các điển hình tiên tiến, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù còn hạn chế; sự thiếu hiểu biết các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… là những lý do để một bộ phận đồng bào bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động tham gia biểu tình, bạo loạn.
Thứ hai, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc còn hiệu lực nhưng có bất cập, đồng thời đề xuất với Đảng, Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù để tập trung hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 (Khóa IX) của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình phát triển kinh tế ở Tây Nguyên chưa giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng còn lớn. Việc tổ chức lại sản xuất, bảo đảm không gian sinh sống cho các buôn làng, giữ gìn và phát huy tinh hoa, bản sắc văn hóa các dân tộc còn nhiều vấn đề bất cập. Giải quyết đất đai, việc làm, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Công tác bố trí tái định cư, ổn định dân di cư tự do còn nhiều khó khăn. Việc giải tỏa, đền bù, ổn định sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các dự án, công trình thủy điện: Đồng Nai 3, Đăk Rtith, An Khê - Ka Nát còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân. Những bất cập, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội đã tác động đến quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên, gây mâu thuẫn trong nội bộ dân cư, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định chính trị.
Những năm tới, để Tây Nguyên phát triển toàn diện, bền vững, cần tập trung giải quyết căn bản vấn đề đất đai, đảm bảo đủ đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất; sắp xếp, điều chỉnh lại dân cư phù hợp, bảo đảm không gian sinh tồn bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tiến hành quy hoạch và đầu tư thích đáng để phát triển hạ tầng nông thôn, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù của Tây Nguyên. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; kết hợp hỗ trợ với tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, kiến thức và kỹ năng về sản xuất hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Giải quyết tốt vấn đề dân di cư tự do, đưa các vùng dân di cư tự do sớm hòa nhập vào sự phát triển của Tây Nguyên. Tiếp tục thực hiện và bổ sung, điều chỉnh các chính sách trọng tâm, đặc thù của vùng về giáo dục, đào tạo và dạy nghề để nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ nhằm tập trung khai thác, bảo tồn, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Thứ ba, tập trung đấu tranh giải quyết vấn đề Fulro, tăng cường chỉ đạo đấu tranh chống những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, những thông tin sai trái với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; thành lập bộ phận nghiên cứu phản tuyên truyền, đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hoà bình” trên các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá.
Thực tế vẫn còn một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số chưa nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù; về các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các phần tử Fulro; bản chất phản động của tổ chức Đềga. Số đồng bào dân tộc thiểu số tham gia biểu tình, bạo loạn phần lớn bị tuyên truyền, kích động tâm lý ly khai dân tộc; bị lừa bịp “sẽ được cấp đôla”, “sẽ được cấp nhà của người Kinh đang ở”, “sẽ được đi Mỹ”. “Chưa giải quyết được căn bản tư tưởng ly khai, tự trị, tâm lý dân tộc hẹp hòi ở một bộ phận đồng bào dân tộc nên còn điều kiện để cơ sở ngầm Fulro tồn tại và hoạt động”.
Thực trạng trên đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục quốc phòng, an ninh, làm cho cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhận thức sâu sắc và đề cao cảnh giác trước âm mưu xuyên tạc, kích động ly khai, chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch. Công tác tư tưởng phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên và đồng bào nhận thức sâu sắc truyền thống đấu tranh cách mạng, xây dựng tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển, giúp đồng bào thấy được âm mưu đen tối và bản chất thâm độc của bọn phản động Fulro để đồng bào không nghe, không làm theo và không chứa chấp, nuôi dưỡng bọn xấu. Yêu cầu đặt ra là xây dựng khu vực Tây Nguyên đủ “sức miễn dịch” với mọi sự tác động từ bên ngoài, có khả năng “tự đề kháng” cao trước mọi âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền của các thế lực thù địch.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại và đấu tranh ngoại giao để vô hiệu hóa các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Các cấp, các ban, ngành thường xuyên quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại để cộng đồng thế giới hiểu rõ tình hình Tây Nguyên, tập trung vào thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Chú trọng tuyên truyền thông qua quá trình làm việc với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài, nhất là đối với các đoàn Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Mỹ, các tổ chức tôn giáo nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ. Đặc biệt chú trọng hợp tác với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, nhất là hợp tác về an ninh, chống xâm nhập, vượt biên; bảo đảm an ninh biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tăng cường đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, làm cho các nước, các tổ chức quốc tế hiểu đúng thực chất tình hình Tây Nguyên.
Với khu vực Tây Nguyên, âm mưu, ý đồ chống phá nhiều mặt, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của bọn phản động Fulro là không thay đổi. Song âm mưu của chúng sẽ thất bại nếu chúng ta duy trì và củng cố sự bền vững của khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên. Do đó, cần khơi dậy trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên ý thức đoàn kết, tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong phát triển sản xuất, xây dựng buôn, làng vững mạnh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các lực lượng, đấu tranh trên mọi lĩnh vực nhằm xoá bỏ tư tưởng ly khai, xoá bỏ cơ sở xã hội của bọn phản động Fulro, đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch. Quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn liền với cuộc đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh chống lại những luận điệu cố tình bóp méo sự thật, xuyên tạc chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết, hình thành “thế trận lòng dân” trên địa bàn Tây Nguyên chính là vũ khí hiệu quả nhất để chống âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, chống những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc và hoạt động chống phá của các bọn phản động Fulro. (Cổng thông tin điện tử UBDT)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét